May mắn, lực lượng cứu hộ ở hồ bơi nhanh chóng vớt bé, sơ cứu và chuyển cháu tới cấp cứu tại Bệnh viện Xanh Pôn ngày 12/6, trong tình trạng mệt mỏi, khó thở, ho nhiều. Kết quả chụp X-quang cho thấy hình ảnh viêm phổi phải. Sau 5 giờ điều trị tích cực tại khoa Cấp cứu, trẻ đã qua tình trạng nguy hiểm, điều trị tại khoa Nhi hô hấp. Sau 5 ngày, bé ổn định và được ra viện.
Bác sĩ Trần Văn Trung, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Nhi, cho biết khi trẻ bị đuối nước, phản xạ đầu tiên là co thắt thanh quản, tiếp đó là phản xạ làm nước và các chất bẩn, dị vật sặc vào phổi dẫn đến suy hô hấp, giảm oxy máu, thay đổi về khối lượng tuần hoàn gây tử vong. Nếu cứu được, nguy cơ trẻ bị nhiễm khuẩn ở phổi rất cao. Khi bị đuối nước, thời gian thiếu oxy của nạn nhân càng dài nguy cơ tử vong càng cao và di chứng càng nặng nề.
Đối với trẻ bị đuối nước, sơ cứu sớm và đúng cách ngay tại hiện trường là rất quan trọng để cứu sống trẻ và giảm thiểu các di chứng do thiếu oxy não. Đầu tiên, cần nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước bằng mọi cách. Đặt trẻ nằm ngửa trên nền cứng, khô ráo, thoáng khí. Trường hợp trẻ còn tự thở, cho trẻ nằm nghiêng sang một bên. Cởi bỏ quần áo ướt, giữ ấm. Nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất vì có thể sẽ xảy ra khó thở tái diễn.
Trong trường hợp trẻ bất tỉnh, hãy quan sát lồng ngực trẻ có di động hay không. Nếu lồng ngực không di động, tức là trẻ ngừng thở thì phải nhanh chóng thực hiện hô hấp nhân tạo bằng cách: đặt nạn nhân nằm ưỡn cổ và nghiêng mình sang bên trái; lau sạch dãi, chất thải hoặc dị vật ở miệng và mũi nạn nhân. Thực hiện hà hơi thổi ngạt bằng miệng ngay lập tức.
Sau khi thổi ngạt 2 cái, cần kiểm tra xem tim trẻ còn đập hay không bằng cách bắt mạch cảnh, bẹn, hoặc áp tai vào lồng ngực bên trái xem có tiếng tim đập không. Nếu không bắt được mạch chứng tỏ tim trẻ đã ngừng đập, cần phải hô hấp nhân tạo kèm theo ép tim ngoài lồng ngực, liên tục kể cả trong khi đưa trẻ đi cấp cứu tại cơ sở y tế gần nhất.