Ngày 10/8, đại diện Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu cho biết 3 ngày trước nhập viện, mặt bệnh nhi hơi méo sang trái. Hôm sau, tình trạng méo miệng trở nặng, trẻ được người nhà đưa đến khám.
Bệnh nhi được tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng gồm tập vận động có trợ giúp, đề kháng, kéo giãn cơ; siêu âm; điện xung kích thích; laser châm kết hợp với tập dụng cụ. Hiện miệng em đã đỡ méo hơn, vẫn duy trì điều trị.
Sau khi ra viện, trẻ cần dự phòng các yếu tố nguy cơ để tránh tái phát, thực hiện chế độ ăn uống sinh hoạt lành mạnh, tái khám mỗi 3 tháng để theo dõi sức khỏe. Sau một năm bệnh sẽ phục hồi được tối đa.
Liệt mặt (còn gọi liệt bell, dây thần kinh số 7 ngoại biên) thường xuất hiện đột ngột sau khi ngủ dậy. Có nhiều nguyên nhân gây bệnh, nhưng 75% trường hợp là cơ thể bị lạnh đột ngột. Đoạn dây thần kinh số 7 nằm trong ống xương đá, vốn dĩ đã bị lạnh vì không có cơ che phủ dây thần kinh. Khi gặp gió lạnh đột ngột, không khí lạnh buốt từ bên ngoài khiến nó càng nhanh bị nhiễm lạnh thêm. Lúc này, mạch máu bị co thắt lại, dẫn đến thiếu máu nuôi dưỡng và sưởi ấm làm cho dây thần kinh bị phù nề, chèn ép và liệt.
Ngoài ra, nhiễm trùng (thường viêm nhiễm ở tai) hay do chấn thương (tai nạn xe cộ hoặc do phẫu thuật não hoặc tai) cũng có thể khiến liệt dây thần kinh số 7.
Biểu hiện bệnh đặc trưng là khởi phát đột ngột, sau một đêm ngủ dậy thấy liệt toàn bộ cơ mặt một bên trong vòng 24-48 giờ. Mặt bệnh nhân mất cân xứng, các cơ mặt bị kéo về bên lành, miệng méo, nhân trung và nếp nhăn vùng trán, rãnh mũi - má - mắt lệch.
Ở trạng thái động, mắt người bệnh nhắm không kín, nhãn cầu chuyển động lên phía trên. Bệnh nhân gặp khó khăn khi nhăn trán, nhíu mày, nhe răng, trề môi, phồng má, thổi sáo... Các triệu chứng không xuất hiện cùng lúc trên người bệnh, mà nặng nhẹ tùy từng người.
Phần lớn trường hợp liệt mặt ngoại biên áp dụng phương pháp trị liệu không dùng thuốc, gồm xoa bóp bấm huyệt, châm cứu và tập luyện vận động cơ mặt là sẽ phục hồi. Trong đó, xoa bóp bấm huyệt đóng vai trò kích thích từng điểm, từng nhóm cơ trên vùng đầu mặt cổ mà dây thần kinh số 7 chi phối để điều chỉnh vùng liệt. Tùy theo tình trạng từng bệnh nhân, thầy thuốc sẽ xác định chính xác nhóm cơ nào bị yếu, liệt và mức độ để có thủ thuật phù hợp.
Tuy nhiên, để phục hồi nhanh hơn, ngoài thời gian trị liệu tại bệnh viện, người bệnh cần tự luyện tập ở nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Ví dụ, tập nhắm hai mắt lại, mỉm cười, huýt sáo và thổi, ngậm chặt miệng, cười thấy răng và nhếch môi trên, nhăn trán và nhíu mày, hếch mũi, phát âm những âm dùng môi như b, p, u, i... giúp hoàn thiện nhóm cơ tối ưu nhất.
Bệnh liệt mặt ngoại biên có thể gặp ở mọi lứa tuổi, giới tính. Do đó, bác sĩ khuyến cáo để phòng bệnh, khi dùng quạt, điều hòa không để phả gió và hơi lạnh trực tiếp vào vùng đầu mặt cổ gáy. Nâng cao sức đề kháng bằng các thực phẩm tăng cường đề kháng, phòng ngừa cảm cúm, các bệnh tai mũi họng và các loại virus gây bệnh.
Đồng thời, khi thấy các dấu hiệu liệt mặt, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Nếu không điều trị hoặc tự điều trị sai cách, bệnh có thể tái phát nhiều lần, hoặc chuyển sang liệt cứng, ảnh hưởng về mặt cảm xúc, thẩm mỹ như mặt mất cân đối, miệng méo, mắt nhắm không kín, co giật nửa mặt, viêm loét giác mạc...
Mỹ Ý