Jacques Grill, giám đốc chương trình điều trị u não tại Trung tâm Ung thư Gustave Roussy ở Paris, bác sĩ trực tiếp điều trị cho Lucas, xúc động khi nhớ lại khoảnh khắc thông báo cho cha mẹ cậu bé rằng con trai họ sắp chết.
Tuy nhiên, 7 năm sau, Lucas ở tuổi 13 đã không còn dấu vết khối u. Theo các nhà nghiên cứu, cậu bé là người đầu tiên trên thế giới được chữa khỏi bệnh u thần kinh đệm thân não, một loại ung thư đặc biệt ác tính.
"Lucas đã vượt qua mọi khó khăn để sống sót", bác sĩ Grill nói.
Khối u có tên đầy đủ là u thần kinh đệm cầu não nội tại lan tỏa (DIPG), được chẩn đoán hàng năm ở khoảng 300 trẻ em Mỹ và 100 trẻ ở Pháp. Trước ngày Quốc tế Ung thư Trẻ em, giới y khoa đã ca ngợi những tiến bộ có ý nghĩa trong cuộc chiến ung thư. Hiện nay, khoảng 85% trẻ em sống sót hơn 5 năm sau khi được chẩn đoán.
Tuy nhiên, tiên lượng của trẻ mắc ung thư thần kinh đệm thân não vẫn rất ảm đạm. Hầu hết trẻ không sống quá 5 năm sau khi chẩn đoán. Nghiên cứu gần đây cho thấy chỉ 10% bệnh nhân sống sót sau hai năm.
Xạ trị đôi khi làm chậm sự phát triển của khối u, nhưng hiện chưa có loại thuốc nào hiệu quả để điều trị hoàn toàn.
Bệnh nhân đặc biệt
Lucas và gia đình đã đi từ Bỉ đến Pháp để trở thành một trong những bệnh nhân đầu tiên tham gia thử nghiệm BIOMEDE dành cho loại thuốc tiềm năng mới, tên everolimus. Ban đầu, cậu bé phản ứng mạnh mẽ với thuốc. Tuy nhiên, sau hàng loạt lần chụp MRI, khối u đã hoàn toàn biến mất, theo bác sĩ Grill.
Bác sĩ không dừng phác đồ điều trị, Lucas cũng đồng ý duy trì sử dụng thuốc cho đến cách đây một năm rưỡi.
"Không có trường hợp nào như cậu ấy trên thế giới", bác sĩ Grill nói.
7 đứa trẻ khác trong thử nghiệm vẫn sống sót nhiều năm sau khi được chẩn đoán, nhưng chỉ khối u của Lucas biến mất, tức là em đã khỏi bệnh hoàn toàn. Theo bác sĩ Grill, do đặc điểm sinh học riêng của các khối u, một số trẻ phản ứng với thuốc, số khác lại không. Bác sĩ Grill cho biết khối u của Lucas có một đột biến cực kỳ hiếm gặp, khiến tế bào nhạy cảm hơn nhiều.
Tiến đến điều trị cho nhiều bệnh nhân hơn
Các nhà khoa học đang tìm hiểu thêm về những bất thường di truyền trong khối u bệnh nhân, tạo ra khối u trong phòng thí nghiệm để nghiên cứu.
"Trường hợp của Lucas thực sự là tia hy vọng trong việc điều trị ung thư. Chúng tôi sẽ cố gắng tái tạo những khác biệt trong tế bào của cậu bé trong ống nghiệm", Marie-Anne Debily, giám sát viên nghiên cứu, cho biết.
Nhóm nghiên cứu muốn tái tạo các đặc điểm di truyền trong cơ quan để xem liệu thuốc có thể tiêu diệt các khối u khác một cách hiệu quả như trường hợp của Lucas hay không.
Nếu có tác dụng, bước tiếp theo của các nhà khoa học là tìm loại thuốc tương tự, tiến sĩ Debily nói. Các nhà nghiên cứu tỏ ra hào hứng với hướng đi mới này, song họ cảnh báo còn chặng đường dài để thuốc đến với tay người tiêu dùng.
"Trung bình, phải mất 10 đến 15 năm để cho ra đời một loại thuốc, đó là quá trình lâu dài", tiến sĩ Grill nói.
David Ziegler, bác sĩ chuyên khoa ung thư nhi tại Bệnh viện Nhi đồng Sydney, cho biết u thần kinh đệm thân não đã thay đổi đáng kể trong thập kỷ qua. Những đột phá trong phòng thí nghiệm, tăng nguồn tài và các thử nghiệm như BIOMEDE khiến các nhà khoa học tin vào tiềm năng điều trị hoàn toàn ung thư cho bệnh nhân.
Thục Linh (Theo AFP, Science Alert)