Ngày 27/5, đại diện Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ cho biết bé được người nhà sơ cứu 20-30 phút sau đó chuyển đến viện trong tình trạng nguy kịch. Bé suy hô hấp, hôn mê, bỏng nặng ở tay trái và cẳng chân phải.
Các bác sĩ điều trị hồi sức, cắt lọc tổ chức hoại tử, ghép da vết bỏng. Sau 14 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhi ổn định, da ghép lành tốt, không hoại tử, không nhiễm trùng, tiếp tục theo dõi.
Một em bé khác, 7 tuổi, ở Việt Trì, bị bát nước sôi đổ làm bỏng chân trái và bộ phận sinh dục, người nhà tự chữa. Hai ngày sau một số vùng bỏng trên cơ thể chảy dịch, bé nhập viện. Quá trình điều trị phức tạp hơn, được chiếu tia plasma giúp vết thương nhanh lành.
Bác sĩ Đinh Văn Nghĩa, Khoa Ngoại nhi tổng hợp, khuyến cáo người lớn không được lơ là đối với trẻ nhỏ, giúp bé tránh những mối nguy hiểm hoặc vật dụng có thể gây thương tích, đặc biệt trong dịp hè.
Trẻ nhỏ thường hiếu động, chạy nhảy, tò mò khám phá môi trường sống xung quanh. Trẻ chưa có ý thức và kỹ năng phòng, tránh rủi ro nên rất dễ gặp tai nạn. Gia đình cần dạy trẻ những kỹ năng cần thiết để phòng tránh sự việc đáng tiếc xảy ra.
Người nhà cũng cần biết một số cách sơ cứu cơ bản để áp dụng vào từng trường hợp, mức độ thương tích. Khi trẻ không may bị thương, không nên tự điều trị tại nhà mà cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để khám và có phương pháp điều trị phù hợp.
Thúy Quỳnh