Bé trai tên Hector Harvey, 10 tuổi, nhập viện với những vết bỏng phồng to như vừa bị dội nước sôi, các mảng da bong tróc. Cậu bé gặp tình trạng này khi đang đi nghỉ ở Cape Verde, một quần đảo ngoài khơi bờ biển châu Phi cùng gia đình. Ban đầu, cả nhà dùng một loại kem chống nắng của Anh trong hầu hết chuyến đi. Tuy nhiên, vào những ngày cuối cùng của kỳ nghỉ, hộp kem bị hết và họ quyết định mua một chai kem chống nắng SPF90 từ cửa hàng bên trong khách sạn.
Harvey bôi kem khoảng 30 phút trước khi xuống hồ bơi dưới cái nóng 29 độ C. Cậu bé liên tục được mẹ thoa lại lớp kem suốt cả ngày. Tuy nhiên, khi di chuyển đến sân bay để trở về nhà, Harvey có hiện tượng buồn ngủ, bị phồng rộp một mảng lớn khoảng 8 cm ở ngực, cánh tay và vai.
Gia đình đã gọi đến Dịch vụ Y tế Quốc gia và đưa cậu bé vào Trung tâm Y tế Queen ở Nottingham. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán Harvey bị cháy nắng, bỏng da và phải tiểu phẫu để chọc vỡ và làm vệ sinh các vết bỏng rộp.
Dù bị bỏng nghiêm trọng, Harvey vẫn hồi phục tốt và không bị sẹo trên cơ thể. Hiện cánh tay và ngực cậu bé vẫn có những vết loang lổ, cùng các mảng bong tróc da khắp người.
Bác sĩ cảnh báo Harvey sẽ đặc biệt dễ bị cháy nắng trong hai năm tới. Mẹ của cậu bé cho biết bà sẽ không bao giờ mua kem chống nắng tại bất kỳ quốc gia nào ngoài Anh.
Theo các chuyên gia, kem chống nắng bảo vệ người dùng khỏi hai dạng bức xạ là UVA và UVB. UVA là bức xạ chủ yếu gây tình trạng rám nắng, lão hóa và ung thư. UVB là nguyên nhân chính gây cháy nắng. Chỉ số SPF là thước đo khả năng bảo vệ khỏi UVB. Ở một số quốc gia, các loại kem chống nắng hóa học chứa avobenzone, chất này đóng vai trò như màng lọc bảo vệ người dùng khỏi UVA. Tuy nhiên, một số người có làn da nhạy cảm, phản ứng xấu với avobenzone, khiến da bỏng rát, đau hơn sau khi bôi kem, đặc biệt là quanh mắt.
Để bảo vệ bản thân khỏi ánh nắng mặt trời, các chuyên gia khuyến nghị không ra ngoài từ 11h trưa đến 3h chiều, đây là thời điểm ánh nắng mặt trời chiếu mạnh nhất. Thoa kem chống nắng 30 phút và thoa lại một lần nữa trước khi tiếp xúc với tia UV. Nếu cần thiết, mọi người có thể chọn loại kem chống nắng không thấm nước, thoa lại sau khi bơi, đổ mồ hôi hoặc sử dụng khăn tắm.
Thục Linh (Theo Daily Mail)