Tai nạn xảy ra vào chiều 25/4, ngay lập tức gia đình đưa con đến bệnh viện ở Hải Dương sơ cứu. Sau đó, bé được chuyển tiếp lên Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội).
Chiếc đinh ghim nằm trong phế quản gốc chọc hướng về phía tim. Ảnh: Bệnh viện cung cấp. |
Kết quả chụp X - quang xác định có đinh ghim nằm sâu trong phế quản. Ngay trong đêm, các bác sĩ đã tiến hành nội soi phế quản lấy dị vật. Kíp nội soi đã lấy ra một đinh ghim bằng sắt dài 2 cm, đế nhựa loại để gim giấy. Rất may chiếc đinh được lấy ra kịp thời nên không nguy hại đến tính mạng của trẻ.
Cuối tháng trước, Bệnh viện Nhi trung ương cũng cấp cứu cho một bé gái 2 tuổi ở Bắc Giang bị hóc dị vật. Khi đó cô bé đang nằm điều trị tại khoa Truyền nhiễm của bệnh viện vì bị viêm não. Đang chơi thì cháu đột ngột tím tái và sặc sụa, gia đình hốt hoảng gọi bác sĩ. Sau 10 phút, các bác sĩ đã lấy được quả nho đường kính trên 1 cm từ đường thở của bé.
Các bác sĩ khuyến cáo, bố mẹ và thầy cô cần rất cảnh giác trong việc trông giữ trẻ hàng ngày vì tai nạn do hóc dị vật có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Thậm chí có những trường hợp trẻ tử vong ngay trước khi được đưa đi cấp cứu.
Vì thế, nếu trẻ không may bị sặc, hóc người lớn cần ngay lập tức làm thủ thuật Heimlich tại chỗ. Với những trẻ nhỏ đang ăn bột hay hoa quả bị hóc, nghẹn thì cần để trẻ nằm sấp, đầu dốc xuống dưới, úp lòng bàn tay vỗ mạnh vào giữa lưng bé. Thao tác này giúp tác động mạnh vào lưng gây ho để bật dị vật ra. Với trẻ lớn, người thân cần đứng sau ôm bụng sốc mạnh người trẻ lên.
Tuyệt đối không vuốt xuôi vì làm thế vô tình khiến dị vật chui sâu vào phổi, tình trạng càng trở nên nguy hiểm hơn. Sau khi làm mọi thao tác như trên mà dị vật không bắn ra được thì phụ huynh cần khẩn trương đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất.
Phương Trang