Gia đình cho biết, ngay sau khi bị cắn, trẻ chỉ được rửa vết thương bằng xà phòng và không được tiêm vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại.
Khoảng 8 ngày trước khi vào viện, trẻ lên cơn sốt, biểu hiện bất thường nên được gia đình đưa đến bệnh viện tỉnh điều trị với chẩn đoán theo dõi bệnh dại. Tuy nhiên, tình trạng trẻ ngày càng nặng và chuyển biến nhanh nên được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương vào cuối tuần trước.
Tại Khoa Điều trị tích cực, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, trẻ có biểu hiện sợ gió, xuất tiết đờm dãi, kích thích, vật vã, hoảng loạn. Trẻ được làm các xét nghiệm nước bọt, dịch não tủy, sinh thiết da gáy, kết quả chẩn đoán xác định mắc bệnh dại.
"Chúng tôi đã sử dụng thuốc vận mạch, điều trị theo đích tăng áp lực nội sọ và hỗ trợ hô hấp cho trẻ. Tuy nhiên, hiện trẻ vẫn hôn mê sâu, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao", TS.BS Đào Hữu Nam, Trưởng khoa Điều trị tích cực, nói hôm 7/6.
Bác sĩ Nam cho biết bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể lây lan từ động vật sang người thông qua nước bọt, các vết cắn, cào xước. Hàng năm, khoa tiếp nhận cho một số trường hợp trẻ mắc bệnh dại đến khám và điều trị. Đa số đều chưa được tiêm phòng do cha mẹ thiếu hiểu biết về bệnh dại, tâm lý chủ quan cho rằng chó nhà cắn, và con vật bình thường tại thời điểm cắn. Một số e ngại với vaccine phòng dại, số khác bị cắn nhưng không nói với bố mẹ.
Bác sĩ khuyến cáo, nếu trẻ không may bị vật nuôi tấn công, gia đình cần đưa con đến các cơ sở y tế để được tư vấn, xử trí vết thương, tiêm vaccine phòng dại và khuyết thanh kháng dại kịp thời.
Lê Nga