Bé được đưa đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí ngày 13/5, trong tình trạng lơ mơ, da nhợt nhạt, tay chân lạnh, phù phổi cấp, suy hô hấp do đuối nước. Trước đó, bé đã được sơ cứu ở cơ sở y tế tuyến dưới.
Các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành hồi sức cấp cứu cho bệnh nhi, đặt nội khí quản, thở máy, điều chỉnh các rối loạn (khí máu, điện giải...) và sử dụng kháng sinh. Sau một ngày điều trị tích cực, trẻ đã có nhịp tự thở và đang được tiếp tục theo dõi.
Mùa hè thường xuyên xảy ra nhiều vụ trẻ bị đuối nước khi đi tắm biển, hồ. Khi phát hiện trẻ bị đuối nước, cần đưa ngay trẻ ra khỏi môi trường nước, đồng thời tiến hành sơ cứu ban đầu và đưa đến các cơ sở y tế một cách nhanh nhất.
Khi sơ cứu, cần ấn tim ngoài lồng ngực và hô hấp nhân tạo ngay nếu nạn nhân ngưng thở, thở ngáp cá hoặc tím tái. Cứ 30 lần ấn tim xen kẽ 2 lần hô hấp nhân tạo liên tục cho đến khi nạn nhân tự thở được. Sơ cấp cứu tại chỗ được xem là thành công khi da nạn nhân hồng hào, tự thở được, tim đập lại, sờ được mạch cảnh rõ, nạn nhân dần tỉnh lại.
Khi nạn nhân đã có thể tự thở, cần cho nằm nghiêng xoay mình để có thể thở dễ dàng hơn. Sau đó, đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra xem nạn nhân có bị phù phổi cấp không.
Bác sĩ khuyến cáo không dốc ngược nạn nhân đuối nước, vác lên vai rồi chạy. Không tự ý hấp tấp vận chuyển người bị ngưng tim ngưng thở do ngạt nước bằng bất kỳ phương tiện nào. Thời gian vàng 5-7 phút đầu để tiến hành kịp thời sơ cấp cứu ngưng tim ngưng thở ngay tại hồ bơi mới là yếu tố quyết định cứu sống người bị ngạt nước.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mỗi năm Việt Nam có trên 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước, cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển. Nguyên nhân chủ yếu do trẻ em thiếu sự giám sát, trông giữ của cha mẹ. Nhiều trẻ chưa biết bơi, thiếu kỹ năng an toàn trong môi trường nước.