Trường hợp trên được các bác sĩ Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ tại tọa đàm Chán ăn tâm thần - nguyên nhân và hệ luỵ, chiều 28/2.
Khai thác bệnh sử, người nhà cho biết bé trai thường xuyên bị bạn bè chê béo phì, khiến em chán nản, tìm mọi cách giảm cân. Nam sinh lên mạng tìm hiểu về các phương pháp ăn kiêng, sau đó em giảm ăn một cách cực đoan, đồng thời tập luyện cường độ cao để đốt mỡ thừa. Điều này khiến cân nặng của em giảm nhanh nhưng kèm theo mệt mỏi, suy kiệt.
"Bé trai gần như không ăn thịt cá, chỉ dùng vài cọng rau trong ngày, đôi ba thìa cơm trắng vào trưa và tối. Khi không tập thể dục, cậu luôn có cảm giác đau khổ, bồn chồn, bứt rứt, khó chịu trong người, bắt buộc phải tập luyện theo chế độ", bác sĩ Nguyễn Phương Linh, Phòng điều trị Rối loạn cảm xúc, kể.
Thấy tình trạng bất thường, bố mẹ đưa em vào Viện Sức khỏe Tâm thần khám, được chẩn đoán chứng chán ăn tâm thần. Sau gần 6 tháng điều trị nội, ngoại trú, hiện nam sinh bắt đầu ăn uống tốt hơn, có hứng thú với việc ăn kèm cảm giác ngon miệng.
Theo bác sĩ Vũ Sơn Tùng, Viện Sức khỏe Tâm thần, chán ăn tâm thần là rối loạn ăn uống do hạn chế năng lượng nạp vào so với nhu cầu. Bệnh nhân sẽ có cảm giác sợ hãi về việc tăng cân, thậm chí không thể nhận ra mức độ nghiêm trọng khi trọng lượng cơ thể giảm thấp đáng kể.
Bệnh này chia thành hai loại, một là người bệnh hạn chế lượng thức ăn nạp vào bằng cách ăn càng ít càng tốt. Hai là người bệnh tiêu thụ thực phẩm, nhưng sau đó bị nôn hoặc sử dụng thuốc nhuận tràng để tống thức ăn ra ngoài.
Tại Mỹ, tỷ lệ mắc chứng chán ăn tâm thần suốt đời chiếm khoảng 0,6% ở dân số trưởng thành. Tỷ lệ mắc ở nữ giới gấp 3 lần nam. Căn bệnh thường bắt đầu ở tuổi vị thành niên, đặc biệt ở giai đoạn dậy thì. Tuổi khởi phát rối loạn trung bình là 18. Tuy nhiên, tỷ lệ người mắc bệnh khi dưới 15 tuổi ngày càng tăng. Tại Việt Nam chưa có số liệu thống kê.
Lý giải nguyên nhân, bác sĩ Tùng nói ở độ tuổi này, các em thường so sánh hình thể bản thân với bạn bè, từ đó quyết định ăn kiêng, làm tăng nguy cơ phát triển rối loạn ăn uống. Thêm vào đó, sự phổ biến của phim ảnh và truyền thông dẫn đến việc truyền bá chuẩn mực cái đẹp là sự thon gọn. Áp lực phải tuân theo chuẩn mực cơ thể lý tưởng từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe cá nhân và làm tăng nguy cơ mắc chứng chán ăn tâm thần.
Dấu hiệu nhận biết bệnh là giảm cân quá mức, ngoại hình mỏng manh, mệt mỏi, mất ngủ, chóng mặt hoặc ngất xỉu, mất kinh hoặc rối loạn kinh nguyệt, táo bón và đau bụng, da khô hoặc hơi vàng, không chịu được lạnh, nhịp tim tăng hoặc giảm bất thường, huyết áp thấp.
Ở mức nghiêm trọng nhất, chán ăn tâm thần còn có thể gây tử vong đột ngột do rối loạn nhịp tim, mất cân bằng điện giải trong cơ thể.
Ngoài các biến chứng về thể chất, người mắc chứng chán ăn thường mắc các rối loạn tâm thần khác, bao gồm: Trầm cảm, lo âu và các rối loạn cảm xúc khác, rối loạn giấc ngủ, nhân cách, ám ảnh cưỡng chế, lạm dụng rượu và chất gây nghiện, hành vi tự hủy hoại, ý tưởng và hành vi tự sát.
Các bác sĩ khuyến cáo, với người bệnh là thanh thiếu niên, những rối loạn tâm thần khởi phát của chứng chán ăn có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc hình thành nhân cách trong tương lai. Vì vậy, người bệnh cần được đến khám tại chuyên khoa tâm thần để tìm nguyên nhân và điều trị hiệu quả.
Lê Nga