Khoảng đầu tháng 10, cháu đang chơi đùa thì bị đau đầu, sau đó méo miệng, nói khó. Gia đình đưa bé đến Bệnh viện Đà Nẵng (cách nhà ở quận Thanh Khê khoảng vài km), cấp cứu.
Kết quả chụp CT, hội chẩn xác định đây là trường hợp đột quỵ não ở trẻ em rất hiếm gặp, lần đầu tiên Bệnh viện Đà Nẵng điều trị.
Bệnh viện kích hoạt báo động đỏ nội viện với mức độ "đặc biệt", huy động hỗ trợ của các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, can thiệp mạch não, nhân viên xét nghiệm tiến hành các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết cho chẩn đoán bệnh; đồng thời hội chẩn khẩn với chuyên gia đột quỵ đầu ngành tại TP HCM.
Các bác sĩ quyết định điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết để cứu bệnh nhi. Ngày 2/11, đại diện Bệnh viện Đà Nẵng cho biết bệnh nhi đã hồi phục sức khỏe, được xuất viện và đi học trở lại.
Bác sĩ Phạm Như Thông, Phó trưởng khoa Đột quỵ (Bệnh viện Đà Nẵng), cho biết việc cứu sống bệnh nhân có phần may mắn nhờ gia đình đưa cháu đến kịp thời trong thời gian vàng. Bệnh nhi đáp ứng điều trị, cải thiện dần sau quá trình điều trị thuốc và tập phục hồi chức năng tích cực.
"Qua trường hợp này cho thấy đột quỵ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Bệnh xảy ra ở người trẻ hoặc trẻ nhỏ, hậu quả có thể rất nặng nề do di chứng cả về thể chất và tinh thần cho người bệnh", bác sĩ Thông nói, cho biết cần lưu ý trẻ có bất thường về tim mạch hoặc có rối loạn đông máu vì đây một trong những nguyên nhân có thể dẫn tới đột quỵ.
Với người bị đột quỵ, thời gian cấp cứu là vàng, quyết định sự sống cũng như là khả năng phục hồi của bệnh nhân. Bác sĩ khuyến cáo mọi người cần nắm rõ các dấu hiệu đột quỵ để khi xuất hiện đột ngột các triệu chứng thì nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.