Đền An Xá, xã An Viên, huyện Tiên Lữ được xây dựng vào thế kỷ 16-17, trong đó có bảo vật quốc gia tháp đất nung được Thủ tướng công nhận hồi tháng 1. Kết quả khai quật khảo cổ học chân tháp và tài liệu lịch sử cho thấy tháp được xây thời nhà Mạc, bệ thờ đất nung có cùng niên đại với tháp.
"Bệ thờ được tạo tác thủ công với kỹ thuật nung, chạm khắc tinh xảo, trau chuốt vô cùng độc đáo, không bị dập khuôn theo một hình mẫu nhất định, mang đậm dấu ấn thời đại mà nó được sản sinh", hồ sơ Cục Di sản văn hóa nêu.
Nhiều khối đất nung được gắn kết khít lại tạo nên bệ thờ hoàn chỉnh, hình chữ nhật, đặt tại hậu cung của đền. Nhìn từ xa, bệ thờ có dáng tòa sen lớn, chia làm bốn phần, mặt, thân, chân và đế bệ. Mặt bệ hình tòa sen đang nở gồm hai lớp cánh, rộng và múp, ôm lấy phần đài phía trên.
Theo Cục Di sản văn hóa, bệ hoa sen đã có từ thời Lý - Trần (thế kỷ 11-14), nhưng hầu hết làm từ đá hoặc gỗ. Bệ thờ đất nung đền An Xá được cho là hiếm gặp. Đây là dấu mốc cho bước chuyển từ chất liệu đá sang đất nung, nhất là với tổ hợp hoa văn mang yếu tố Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo hòa quyện, đan xen.
Thân bệ có kích thước nhỏ nhất nhưng trang trí nhiều hoa văn. Mặt trước và sau đều chia làm ba ô hình chữ nhật, mỗi ô đắp nổi hình rồng với những nét uyển chuyển, tạo cảm giác rồng đang bay lượn giữa trời đất. Rồng bên trái tư thế cuộn đầu và đuôi xuống dưới, thân cuộn lên phía trên, vặn hai khúc. Rồng ở ô giữa đầu cuộn xuống dưới, chỉ vặn thân một khúc ở lưng. Rồng bên phải đầu và đuôi đều hướng lên phía trên, thân vặn hai khúc cổ và đuôi.
"Rồng với tư thế lượn thoải mái, không theo nguyên tắc nào, mỗi con một vẻ đã thể hiện sự đa dạng và dân gian hóa hình tượng này trong mỹ thuật, tạo nên sự đa dạng mà ít di tích còn lưu giữ", Cục Di sản văn hóa đánh giá.
Nền của thân bệ có những vân xoắn nối nhau thành cụm, là nghệ thuật thời Mạc. Chân bệ được làm nhẵn phẳng, không có hoa văn. Đế bệ to, tạo tác theo kiểu "chân quỳ dạ cá" với các đường vân xoắn nổi. Ngoài rồng và hoa sen, bệ thờ còn được chạm khắc nhiều hoa cúc cách điệu.
Hiện cả nước chỉ còn một số nơi lưu giữ bệ thờ đất nung như tại chùa Bồng Lai (Phú Thọ), chùa Trăm Gian và chùa Mui (Hà Nội). Bệ đất nung đền An Xá và chùa Bồng Lai có kích thước dài nhất, là tác phẩm nghệ thuật bằng đất nung tiêu biểu của Việt Nam.
Chất liệu gạch đất nung rẻ, dễ tìm hơn đá, cho thấy việc phát triển nghệ thuật, trang trí trên kiến trúc thời Mạc mang đậm sắc thái dân gian và dân tộc. "Bệ thờ phản ánh các đặc trưng tôn giáo Việt Nam trong lịch sử với sự hòa đồng, ảnh hưởng lẫn nhau. Đây là hiện vật độc đáo, có giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật to lớn trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam", hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật nêu.