Biết vậy nên tôi không cho trẻ đi học thêm mà đầu năm vào là học luôn. Từ ngày nhập học đến giờ, cô giáo luôn phàn nàn là năng lực cháu học được nhưng không chịu học. Cháu học là toàn tôi nhắc, chứ không biết tự giác. Học có ba hoặc mẹ ngồi bên.
Cô giáo nói cháu muốn học thì học không muốn thì thôi, dù cô giáo đã chuyển chỗ rất nhiều lần. Tôi cảm thấy bế tắc trong cách dạy con. Tôi rất cần sự chia sẻ của chuyên gia tâm lý để làm sao cháu có ý thức tự giác trong học tập hơn. Tôi xin cảm ơn. (Huynh Xuan My)
Trả lời:
Chào bạn,
Trước hết, chúng ta cần làm rõ nguyên nhân việc chưa tự giác học tập của bé. Vấn đề gặp khó khăn trong học tập không phải của riêng bé nhà bạn mà theo nhiều nghiên cứu và thực tế đánh giá trên trẻ, chúng tôi nhận thấy đây là khó khăn chung của phần lớn các bé lớp 1- giai đoạn chuyển tiếp từ môi trường mầm non chủ yếu là chơi sang môi trường tiểu học. Vì thế, trước khi bé bước vào giai đoạn chuyển tiếp từ mầm non lên tiểu học thì việc định hướng, cho bé làm quen với việc học hay chuẩn bị tâm thế vào học tiểu học là vô cùng cần thiết.
Việc chuẩn bị tâm thế cho bé không có nghĩa là bạn dạy trước Tiếng Việt hay Toán lớp 1 cho con mà là việc bạn cho bé làm quen với việc ngồi vào bàn học, tư thế ngồi học, thói quen ngồi học vào một khoảng thời gian và một thời gian biểu nhất định, thói quen hoàn thành một nhiệm vụ học tập tại bàn học… Với những bé khó thích nghi, mất tập trung thì việc chuẩn bị tâm thế là vô cùng cần thiết.
Với trường hợp của bé, chúng tôi có một số ý kiến giúp bé khắc phục những khó khăn này như sau:
- Tạo thói quen ngồi bàn học cho bé: Bạn nên đặt một lịch học cố định trong ngày cho bé, thời gian đầu có thể mỗi ngày 20 phút sau bữa ăn, sau đó tăng dần lên. Bạn không nên cưỡng ép bé mà cần động viên, khen ngợi để bé tích cực, coi việc ngồi bàn học là một thú vui chứ không phải một nhiệm vụ khó chịu. Ban đầu bạn nên cho bé ngồi vào bàn để làm những việc bé thích sau đó dần dần chuyển sang nhiệm vụ học.
- Khen ngợi và động viên bé thường xuyên: Khi bé ngồi học bạn nên ngồi cạnh để động viên tinh thần cho bé sau đó bạn dần tách ra. Ví dụ lúc đầu bạn động viên khi bé viết được một chữ, cứ mỗi chữ là một lời khen, sau đó bạn động viên khi bé viết được 3 chữ, một hàng và dần dần là một trang giấy. Hoặc bạn có thể sử dụng phương pháp tích phần thưởng để động viên bé như lập một bảng thưởng chia ra các ngày trong tuần, ngày nào con học ngoan bạn sẽ thưởng một hình sao, trăng, mặt trời, hoa (tùy sở thích của bé) và ngày nào bé học không ngoan bạn sẽ phạt hình mặt mếu, mặt khóc, mặt buồn… Và quy đổi những phần thưởng đó ra giá trị thực tế như 10 sao sẽ được mẹ mua tặng một cái ôtô, 20 sao sẽ được đi chơi công viên hoặc về quê thăm ông bà…
Tránh để bé bị làm phiền: Thời gian học của bé bạn đã quy ước với bé thì cần cố gắng thực hiện tuyệt đối, vì vậy bạn nên sắp xếp các công việc nhà sao cho hợp lý, tránh làm phiền bé vào giờ học như không nên xem TV, nghe điện thoại hay thậm chí ăn uống, tiệc tùng, hát hò… ngay gần vị trí học của bé.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Quỳnh
Trung tâm hỗ trợ tâm lý cộng đồng SPC