"Dù đã qua 6 lần dự thảo nhưng đến nay, khi chỉ còn 2 tháng là đến thời hạn cấm xe tự chế, đề án chuyển đổi vẫn chưa được thông qua. Dự thảo liên tục bị bác là vì tiền", ông Lê Trung Tính, Trưởng phòng Quản lý vận tải công nghiệp khẳng định.
Ông Tính cho biết trong 2 lần đầu họp bàn về dự thảo, UBND TP HCM khẳng định tốn kém bao nhiêu cũng phải lo đủ cho dân. Nhưng khi Sở Giao thông trình số tiền 468 tỷ đồng rồi 611 tỷ đồng (do biến đổi vật giá) thì nhận được câu trả lời: thành phố không cáng đáng nổi.
Bị buộc vào thế bí, Ban xây dựng đề án tiếp tục cho ra một con số, lúc đầu là 40 tỷ sau nâng lên thành 58 tỷ đồng. Nhưng với 22.000 phương tiện xe tự chế cần chuyển đổi rất tốn kém trên địa bàn, đại diện Sở Giao thông đã trả lời thẳng là không khả thi. "Với chỉ nhiêu đó tiền thì chỉ có thể làm cho có chứ không hiệu quả", ông Tính nhận xét.
Hàng nghìn chủ xe tự chế đang hoang mang vì sự chậm chễ khi xây dựng đề án chuyển đổi của UBND TPHCM. Ảnh: Đức Quang |
Mặt khác, việc chuyển đổi lên xe tải nhẹ cũng vấp phải nghịch lý rất lớn. Theo quy định, người sử dụng xe tải nhẹ dùng chuyên chở kinh doanh vận tải phải có bằng lái B2 nhưng thực tế tại Sài Gòn các trung tâm đào tạo lái xe đã quá tải, phải mất ít nhất hơn 6 tháng để được đăng ký và tốn thêm 6 tháng học nữa.
Không có tiền mua xe cũng khổ, sắm được xe rồi chưa chắc chạy được... chủ xe tự chế đang bị "làm khó" trăm bề. "Tôi cũng không biết ra sao, năm sau là không được chạy. Từ đầu năm cứ thấp thỏm theo dõi hoài mà vẫn chưa thấy nghe nói gì về các mức hỗ trợ", ông Nguyễn Văn Ba chạy xe 3 gác ở quận 5 ngán ngẩm nói.
Đại biểu Đinh Phong cho rằng hiện nay trong tay hàng chục nghìn người dân mưu sinh bằng xe tự chế chưa có bất cứ gì từ phương tiện chuyển đổi, đến bản đồ khu vực cấm... thì khi cấm vô tình đã làm khó cho dân.
Đó là chưa kể việc "mở" nhưng thực tế là "đóng" khi thành phố dự định cho phép xe 3-4 bánh được phép lưu thông từ 10h tối đến 5h sáng. "Giả sử tôi mua tủ lạnh vào buổi sáng thì làm sao chở tới nhà trong hẻm, chẳng lẽ khuya mới được đem về", ông Đằng chất vấn.
Xe tự chế 3, 4 bánh tự chế đã tồn tại từ 20 năm nay được coi là phương tiện không đảm bảo an toàn giao thông. Theo nghị quyết 32 của chính phú, loại xe này phải bị cấm hoạt động từ năm 2008. TP HCM nhiều lần xin hoãn đến 29/2 (xe cơ giới đầy tay), tới 30/6 (với tất cả các loại) và cuối cùng là đến đầu năm sau.
Kiên Cường