Nhiều phụ huynh cho rằng trẻ con phải vào độ tuổi tiểu học mới nhận thức được đồng tiền và chuyện tiết kiệm, chi tiêu tiền bạc. Với cá nhân vợ chồng tôi thì đó là quan niệm sai lầm và có phần lạc hậu, đặc biệt khi các thành tựu về khoa học y khoa hiện đại ngày càng phát triển đã minh chứng điều ngược lại.
Vì vậy, khi con đã nói rõ và bước sang tuổi thứ 3, vợ chồng tôi bắt đầu hướng lái con với những bài học tài chính vỡ lòng đơn giản, những buổi nói chuyện vui vẻ về đồng tiền. Cả hai chúng tôi đều chung một mong muốn con có những nền tảng mềm về "Kiếm tiền - Tiết kiệm - Tiêu tiền - Quyên góp", là hành trang để phát triển nhân cách chuẩn mực.
Kiếm tiền: Mỗi buổi sáng, khi hai vợ chồng đi làm thì đều không quên nói "Sushi ơi, ba mẹ đi làm nha, con ở nhà ngoan nhé!". Và luôn hỏi: "Ba mẹ đi làm để làm gì", thì Bảo Anh luôn nhanh miệng: "Ba mẹ đi làm kiếm tiền mua sữa cho Sushi". Tôi muốn con hiểu rằng muốn có tiền là phải đi làm, là phải lao động để được trả tiền công lo cho đời sống.
Mỗi buổi tối khi hai vợ chồng đi làm về thì đều: "Cốc cốc cốc, ba mẹ đi làm kiếm tiền mua sữa cho Sushi về đây". Con gái 3 tuổi đón chúng tôi với nụ cười tươi, cái lí lắc đầu đáng yêu: "Con yêu ba, con yêu mẹ, ba mẹ đi làm kiếm tiền mua sữa Sushi". Độ tuổi đơn giản, chúng ta giáo dục con trực quan dễ hiểu nhất, cái chính yếu là con hiểu đúng, cũng nhờ vậy cháu chơi ngoan, không có tình trạng mè nheo, quấy khóc mỗi lần ba mẹ ra khỏi nhà.
Tiết kiệm: Tôi cho con gái tiếp xúc với tiền rất trực quan, tôi thường vệ sinh tiền thật sạch bằng cồn, lau khô lại và cho Bảo Anh sờ, cảm nhận đây là thứ ba mẹ đi làm để có được. Con gái có một cái két sắt nhựa màu hồng, tôi thường cho cháu các mệnh giá tiền và bảo con cất đi, để dành mua sữa.
Ba tuổi chưa đủ lớn để biết giá trị các con số nhưng cách cháu cầm tờ tiền vui thích bỏ vào két sắt của mình khiến tôi hài lòng. Tôi hay hỏi con: "Tiền này của ai cho? Tiền này để dành khi nào mang ra xài". Cháu cười tít: "Tiền của mẹ, tiền để mua sữa, Sushi cất rồi". Có thể trẻ chưa hiểu hết trọn vẹn câu hỏi hay câu trả lời đôi khi là vô thức, song ít nhiều cháu hiểu rằng tiền đi làm là phải biết để ra tiết kiệm.
Tiêu tiền: Đối với Sushi, mọi đồng tiền của ba mẹ đều là để mua sữa, mua đồ ăn, đầu óc non nớt của con chỉ mới hiểu được vậy. Thế nên mỗi lần đi chợ, đi siêu thị hay nhận hàng của shipper mang tới, tôi đều nói với con: "Mẹ lấy tiền đi chợ, mẹ lấy tiền đi siêu thị, mẹ lấy tiền trả shipper, Sushi có thấy không?". Được nghe con nói: "Con thấy rồi", "Có", "Đúng rồi" làm tôi cảm thấy rất sướng tai.
Tôi rất thích vừa soạn hàng vừa nói cho Sushi nghe giá trị mấy món đồ mẹ mua, kiểu như là: "Bó rau này 10.000, củ cà rốt này 5.000, miếng đậu này 5.000, miếng thịt này 100.000, con gà này 120.000, hộp bánh này 60.000...". Con gái chỉ mới biết đếm vài mươi số, song nụ cười và những cái gật đầu có phần vô thức vẫn khiến tôi xúc động. Sau nhiều lần nghe mẹ nói, cháu có thể phân biệt tờ tiền nào lớn nhỏ theo màu sắc và kích cỡ đấy.
Quyên góp: Đối với một đứa trẻ ba tuổi thì tài chính thực sự là trò chơi, vậy nên muốn trẻ tham gia thì phải tổ chức được trò chơi đó đủ hấp dẫn. Vợ chồng tôi rất trân quý những ai làm thiện nguyện, vậy nên thường cố gắng chia sẻ một phần thu nhập khi có thể.
Xem thời sự, xem tivi hay mấy chương trình gameshow có những mảnh đời khó khăn, những câu chuyện buồn, hoàn cảnh cơ nhỡ, hai vợ chồng đều nói cho Bảo Anh nghe. Cùng con khui đồ chơi, cùng con ăn uống, cùng con đi dạo phố hay mỗi lần chơi với bạn bè trong xóm, hai vợ chồng đều nói con nghe phải biết chia sẻ, phải biết chơi chung, không giành giật.
Những gì hai vợ chồng áp dụng lên Sushi đều để hướng lái con hiểu được giá trị đồng tiền. Với mức thu nhập hiện tại, hai vợ chồng sẽ cố gắng dành ra một khoản để mua bảo hiểm cho con, thực sự bảo hiểm nhân thọ rất quan trọng khi mà rủi ro ngày càng nhiều. Con gái Bảo Anh lớn lên được bảo vệ tốt hơn, những khoản thu chi mua bảo hiểm cho cháu sẽ được ghi ra và nói cho con nghe, con hiểu.
Học mà chơi - chơi mà học với trẻ lúc nào cũng tạo nên những hào hứng, Bảo Anh rất thích những trò chơi liên quan đến tiền mà hai vợ chồng bày ra. Những đứa trẻ giống như tờ giấy trắng, bạn viết vẽ gì lên đó nó sẽ hiện rõ, tính cách của con hình thành chính từ sự dạy dỗ của ba mẹ. Hãy suy nghĩ tích cực, hành động tích cực và sống đời sống của con trẻ để có những thành quả ngọt các ba, các mẹ nhé!
Lê Nữ Kim Cương
Prudential và VnExpress phối hợp tổ chức cuộc thi "Chaching - Bé giỏi tiền hay" từ ngày 9/6 đến 21/7. Cuộc thi không chỉ giúp cha mẹ và con cái cùng nhau học thêm cách quản lý tiền mà còn là một cơ hội giúp cả nhà gắn kết hơn cũng như nhận phần thưởng bằng tiền mặt hkấp dẫn. Trong đó, cơ cấu giải thưởng bao gồm: một giải Nhất trị giá 10 triệu đồng; hai giải Nhì, mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 5 giải Ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng; 5 giải Yêu thích thông qua bình chọn của độc giả, mỗi giải trị giá 3 triệu đồng. Ngoài ra, 20 bài dự thi có chất lượng tốt nhất được chọn vào chung khảo sẽ nhận 500.000 đồng và một con heo đất của Prudential.
Xem chi tiết thể lê cuộc thi tại đây.
Gửi bài dự thi tại đây