Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang đánh giá đây là trường hợp nhẹ cân nhất trong số các trường hợp sinh cực non hiếm gặp tại bệnh viện.
Bé chào đời ở tuần thai thứ 24, nhập viện ngày 11/10 trong tình trạng toàn thân lạnh, tím tái, thở chậm, nhịp tim chậm, phản xạ sơ sinh kém, thể trạng non yếu.
Trẻ sinh cực non phải được chăm sóc đặc biệt hơn nhóm trẻ sinh non khác vì không thể tự thở, tự ăn hoặc tự giữ ấm. Khó khăn nhất đối với em bé này là các cơ quan trong cơ thể chưa hoàn chỉnh, da mỏng, gầy và rất bé. Bé phải đối mặt với nhiều nguy cơ, đặc biệt là bệnh lý về phổi, nhiễm trùng màng trong, bệnh lý võng mạc.
Bác sĩ Đỗ Thị Thu Giang - Trưởng Khoa Nhi, cho biết thể trạng bé còn chưa hoàn thiện, rất dễ bị nhiễm khuẩn, vàng da, thiếu máu... Các bác sĩ thường xuyên thay phiên nhau chăm sóc bé, duy trì tốt chế độ ăn, nhiệt độ, độ ẩm phù hợp, chống nhiễm khuẩn cho bé.
Bé phải nằm lồng ấp đảm bảo thân nhiệt, thở máy, nuôi ăn qua đường tĩnh mạch, chống vàng da, chống nhiễm khuẩn... Khi có thể tự bú, tự thở, thích nghi được với môi trường tự nhiên, bé rời lồng ấp, được chăm sóc bằng phương pháp Kangaroo, kề da với mẹ.
Sau hai tháng được chăm sóc và nuôi dưỡng tích cực, bé khỏe dần. Ngày 11/12, bé đã tự bú mẹ, cân nặng 1,8 kg.
Theo phân loại trẻ sinh non, em bé sinh trước tuần thứ 28 của thai kỳ được coi là cực non. Thai nhi được sinh ra càng sớm thì càng ít có khả năng sống sót, hoặc sống sót được thì em bé sinh cực non thường phải đối mặt với những vấn đề sức khỏe và khuyết tật nghiêm trọng, đôi khi kéo dài cả cuộc đời. Hiện nay, những tiến bộ y học đã giúp trẻ sinh non sống sót và vượt qua những vấn đề về sức khỏe.
Ca sơ sinh nhẹ nhất ở Việt Nam có trọng lượng 480 g.