Cerezo trải qua khá nhiều thăng trầm từ ngày dự J-League. Tại thành phố Osaka, họ lép vế so với kình địch Gamba về mặt thành tích. Gamba từng hai lần vô địch J-League các năm 2005, 2014, đăng quang ở AFC Champions League 2008, còn thành tích tốt nhất của Cerezo chỉ là về thứ ba, và họ từng ba lần xuống hạng, vào các năm 2001, 2006 và 2015.
Với nhiều CĐV Cerezo, ba lần xuống hạng đó vẫn chưa phải là nỗi đau lớn nhất, khi đặt cạnh thảm kịch phút cuối năm 2005, khi đội mất chức vô địch vào tay kình địch Gamba.
Trước vòng cuối của J-League 2005, Cerezo đứng đầu, hơn nhì bảng Gamba một điểm. Một chiến thắng ở trận cuối, tiếp Tokyo FC trên sân nhà Nagai, sẽ mang chức vô địch J-League đầu tiên về cho Cerezo. Đội bóng có biệt danh "Hoa anh đào" khởi đầu thuận lợi khi tiền đạo Akinori Nishizawa mở tỷ số ngay phút thứ ba. Tuy nhiên, Tokyo FC gỡ hòa ở phút 20. Cerezo sau đó lỡ cơ hội tốt để tái lập lợi thế khi đá hỏng quả phạt đền đúng phút cuối hiệp một.
Sau giờ giải lao, Nishizawa lại đưa Cerezo vươn lên. Nếu bảo toàn tỷ số 2-1 đó, họ sẽ là tân vương J-League. Nhưng ở những phút bù giờ cuối cùng, thảm kịch xảy ra với Cerezo khi Yasuyuki Konno đánh đầu gỡ hòa cho Tokyo.
Từ thiên đàng, đội chủ sân Nagai rơi thẳng xuống địa ngục. Trong trận đấu cùng giờ, Gamba làm tốt nhất phần việc của họ khi chiến thắng để đoạt chức vô địch ngay trước mũi kình địch. Sự cay đắng càng được nhân lên khi họ vuột cúp vào tay đối thủ cùng thành phố, và tụt hẳn xuống thứ năm. Câu chuyện của Gamba và Cerezo mùa ấy gợi liên tưởng đến cuộc đua của hai đội bóng thành Manchester năm 2012. Năm 2005, Gamba cũng lần đầu vô địch J-League.
Năm 2000, Cerezo cũng đua vô địch đến tận vòng cuối cùng và bước hụt. Nhưng việc vuột ngôi vương vào tay kình địch Gamba ở những phút bù giờ mùa 2005 vẫn là nỗi đau tột cùng. Đến giờ, sau 15 năm, Cerezo vẫn chưa thể đua vô địch như những gì họ đã làm năm 2005. Cơ hội vàng đã bị họ bỏ lỡ như thế.
Nỗi buồn của các CĐV Cerezo năm 2005 ấy kéo dài sang tận mùa giải sau. Từ vị thế đội cạnh tranh ngôi vương, họ rớt thắng xuống nhóm cuối J-League, đứng thứ 17 và phải chơi ở giải hạng Nhì - J-League 2 - ngay mùa kế tiếp.
Với một CLB mà một năm trước còn suýt vô địch J-League, việc Cerezo phải đá hạng nhì là bất ngờ rất khó lý giải. Có phải các cầu thủ Cerezo không thể gượng dậy sau thất bại? Có thể, nhưng hãy lắng nghe nhận xét của Diego Forlan – người chơi cho Cerezo từ năm 2014, và xuống hạng với CLB này ngay mùa đầu tiên.
"Họ không hiểu sự nghiêm trọng của việc bị xuống hạng, hầu như mọi cầu thủ Nhật Bản đều thế. CĐV không gây áp lực phải trụ hạng lên các cầu thủ, cũng chẳng có áp lực phải thắng hay thua", Forlan lý giải sau khi rời CLB.
"Thật kỳ lạ khi chỉ một ngày sau khi chúng tôi xuống hạng, nhưng đồng đội của tôi tại Cerezo vẫn cười đùa, vui vẻ trong buổi tập. Người Nhật đôi khi xem bóng đá như một thứ khoa học, trong khi bóng đá không phải câu chuyện một cộng một bằng hai. Trong nhiều khía cạnh, họ rất ngây thơ", Forlan nhớ lại.
Mới mùa trước, Cerezo còn cán đích thứ tư. Dù phải bán một số cầu thủ tốt, họ cũng chiêu mộ được danh thủ Forlan. Anh khi ấy được trả lương cao nhất giải đấu, tới 5,8 triệu USD mỗi mùa. Cựu tiền đạo Man Utd ghi bàn liên tục khi mới tới CLB, nhưng rồi bị HLV trưởng Yuji Okuma cho ngồi ngoài nguyên nửa sau mùa giải. Forlan thất vọng và ra đi
"Ở những vòng cuối, HLV không cho tôi thi đấu và tôi đảm bảo rằng nguyên nhân không nằm ở phong độ của tôi. Nếu thế, ông ấy phải cho cả đội ngồi ngoài mới đúng", Forlan nhớ lại.
Forlan nói đúng, nhưng có lẽ chỉ một phần. Cerezo Osaka luôn là một đội bóng thiếu ổn định, đến từ việc nhân sự của họ luôn biến động sau các thương vụ chuyển nhượng cầu thủ sang nước ngoài, mà thường là châu Âu. Họ có thể cán đích mùa này ở nhóm đầu, nhưng ngay mùa sau đã rơi xuống nhóm cuối. Một vài cái tên của Cerezo sau một hoặc hai mùa giải chơi hay lập tức ra đi. Vì thế, Cerezo không ít mùa giải lao đao, dù mùa kế trước đó, họ còn nằm trong nhóm đầu bảng.
Nhiều tài năng, sau thời gian chơi bóng tại sân Nagai, đã lọt vào mắt xanh của các tuyển trạch viên của lục địa già, hoặc những CLB khác ở châu Á có vị thế tốt hơn Cerezo. Dĩ nhiên các cầu thủ chọn ra đi để phát triển sự nghiệp. Những cái tên như vậy thường phải đóng vai trò trụ cột, và khi không còn họ, CLB suy yếu là lẽ tất nhiên.
Tuy vậy, điều đó càng chứng minh vai trò bệ phóng của Cerezo với các cầu thủ muốn vươn tới nấc thang cao hơn trong sự nghiệp. Shinji Kagawa hay Takumi Minamino, Takashi Inui là những người tên tuổi lớn nhất từng khoác áo Cerezo, chưa kể Kakitani Yoichiro (từng chơi cho Basel), Hiroshi Kyotake (từng chơi cho Hannover 96, Sevilla và Nurnberg), Hotaru Yamaguchi (cũng đá cho Hannover 96)...
Đội chủ sân Nagai sở hữu hệ thống đào tạo trẻ được đánh giá là tiên tiến tại Nhật Bản. Điều đó giúp họ sản sinh ra những cầu thủ rất tài năng, đủ sức chen chân vào đội hình chính khi còn rất trẻ. Và cũng vì những biến động nhân sự sau mỗi mùa giải, Cerezo cũng không ngại đưa các viên ngọc thô của họ lên đội một. Kakitani phá kỷ lục cầu thủ trẻ nhất ra sân cho CLB ở tuổi ngoài 16, còn Kagawa được Cerezo ký hợp đồng từ khi còn ngồi ghế nhà trường.
Kagawa, sau khi lên đội một, nhanh chóng trở thành trụ cột, góp công lớn giúp Cerezo trở lại J-League chỉ sau một mùa chơi ở hạng Nhì. Anh ghi 55 bàn sau 125 trận cho CLB rồi sang châu Âu, lần lượt khoác áo Dortmund và Man Utd.
Minamino cũng sớm được trao cơ hội tại Cerezo. Từ khi còn học phổ thông, tiền đạo này đã được HLV Levir Culpi tung vào sân trong một trận đấu tại J-League, thay Omiya Ardija. Ít lâu sau, Minamino phá kỷ lục cầu thủ trẻ nhất ghi bàn ở J-League khi mới 18 tuổi, năm tháng và 10 ngày.
Minamino chơi 62 trận cho Cerezo, ghi bảy bàn trước khi sang châu Âu, lần lượt chơi cho Red Bull Salzburg và hiện là thành viên Liverpool. Anh giờ là một tiền đạo cánh với lối chơi hiện đại, di chuyển liên tục, tích cực phòng ngự - những phẩm chất anh được HLV Culpi rèn giũa tại Cerezo. Khi ấy, Minamino khởi đầu sự nghiệp ở vị trí trung phong, nhưng những điều chỉnh của HLV đã góp phần giúp anh phát tiết như bây giờ. Minamino đang có sự nghiệp đầy hứa hẹn tại Liverpool, dưới sự dẫn dắt của Jurgen Klopp - HLV người Đức từng nâng tầm Kagawa tại Dortmund thuở nào.
Không chỉ tự đào tạo những cái tên có trình độ chơi bóng ở nước ngoài, Cerezo cũng là môi trường để các cầu thủ đến từ nơi khác thể hiện khả năng, trước khi tới với những nền bóng đá có trình độ cao hơn. Kyotake chuyển tới Cerezo năm 2010, chơi hai mùa tại đây và lọt vào mắt xanh của CLB Nurnberg tại Đức. Cầu thủ người Hàn Quốc Kim Bo-kyung chơi hai mùa cho Cerezo, sau đó cũng được CLB Cardiff chiêu mộ, hay Hasegawa Ariajasuru từng đầu quân cho Real Zaragoza chỉ hai năm sau khi chuyển tới CLB có biệt danh "Hoa anh đào". Xa hơn, tiền vệ Akihiro Ienaga cũng đầu quân cho CLB Mallorca năm 2011, sau hơn 100 trận cho Cerezo, hay Nishizawa từng được trao cơ hội tại Bolton Wanderers sau những tháng ngày tỏa sáng tại sân Nagai...
Do đó, Cerezo, dù có thể thiếu ổn định, và không có nhiều cơ hội cạnh tranh vô địch, là nơi hoàn hảo để các cầu thủ trui rèn, phát triển bản thân trước khi tìm cơ hội ở những nền bóng đá cao hơn. Sau hàng loạt tên tuổi kể trên, lúc này Cerezo đang ươm những tài năng mới, chuẩn bị "xuất khẩu". Số này có thể kể đến Jun Nishikawa, tiền đạo 18 tuổi được mệnh danh là "Kubo mới" và được báo chí Nhật dự đoán sẽ sớm cập bến La Liga. Ayumu Seko, trung vệ cao 1m85, được Transfermarkt định giá hơn 500 nghìn USD và mùa vừa rồi nhận danh hiệu cầu thủ trẻ hay nhất J-League...
Nhìn từ những trường hợp xuất ngoại của Cerezo, đâu đó người hâm mộ bóng đá Việt Nam có thêm niềm tin nơi Đặng Văn Lâm. Anh đứng trước thời cơ lớn, dù không ít thách thức đi kèm. Nếu thể hiện được những phẩm chất tốt nhất của anh, Văn Lâm ắt sẽ có cơ hội. Ở tuổi 27 tuổi, anh vẫn còn rất trẻ với vị trí thủ môn.
Kim Hòa