Có một điểm đặc biệt mà các bạn khác không thể làm được như cháu đó là thẩm âm và cảm thụ âm nhạc. Cháu có thể hát lại một đoạn nhạc mà mới chỉ nghe có một lần, tất cả các ca khúc trong phim mà cháu thích cháu hát rất đúng, thậm chí không khác một nốt. Vì chồng tôi hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc nên đã thử kiểm chứng nhiều lần và phát hiện cháu rất có năng khiếu. Riêng về nhạc, cháu nhận thức như một trẻ đã 8 tuổi. Cháu nói chuyện bình thường, sinh hoạt bình thường, hiền lành nên hay bị các bạn bắt nạt. Ngay cả lúc ấy, cháu cũng coi là chuyện bình thường, miễn các bạn vui là cháu vui, cháu hoàn toàn không nhận thức được là đang bị bạn trêu chọc.
Cả trên lớp và về nhà, cháu vẫn viết bài, học bài đầy đủ, tuy hơi chậm hơn các bạn cùng lớp. Nếu có mẹ kèm, cháu còn học tốt hơn và tỏ ra tiến bộ nhanh. Cháu học thuộc nhiều bài thơ, nhiều bài hát và thích thể hiện. Cũng khá ương bướng, thỉnh thoảng cũng cãi lại người lớn và tỏ ra là một người anh biết yêu thương em gái (vì tôi vừa có thêm một bé gái 16 tháng tuổi).
Có một thời gian cháu chớm bị tự kỷ (đấy là do mọi người nói, chứ chúng tôi không dám chắc có phải hay không), cháu thích ngồi im, mân mê một hai vật gì đó trong tay và có thể làm vậy cả ngày nếu không ai để ý. Chúng tôi đã dạy dỗ cháu nhiều, cả ngon ngọt, cả đánh mắng, và giờ đây cháu đã bớt chơi như vậy, tuy nhiên nếu có cơ hội, cháu lại chơi trò đó. Lúc ấy trông cháu ngơ ngơ rất đáng sợ.
Vậy xin hỏi có phải cháu bị một bệnh gì đó về thần kinh không, hay bệnh tự kỷ không, và chuyện cho cháu học chậm một năm như chồng tôi nói có tốt cho cháu không?
Trả lời:
Con chị đã 5 tuổi rưỡi, có biểu hiện hơi chậm về nhận thức, ngây thơ hơn so với các bạn cùng tuổi. Đây có thể là hậu quả của những nguyên nhân khác nhau, trong đó có thể có nguyên nhân là ở các giai đoạn phát triển trước đó (2-5 tuổi) trẻ chưa được quan tâm giáo dục đúng mức, chẳng hạn ít được tham gia những trò chơi phát triển trí tuệ hoặc không được giao những nhiệm vụ đòi hỏi sự tích cực khám phá, cũng ít được trải nghiệm, trẻ thiếu hụt các kỹ năng (giao tiếp, kết bạn, đồng cảm và chia sẻ) trong các tương tác xã hội cùng trẻ khác.
Tuy nhiên, theo mô tả thì con chị vẫn là một đứa trẻ phát triển bình thường, khó có thể kết luận là trẻ tự kỷ hay bị bệnh thần kinh nào đó. Do vậy không nên quá lo lắng đến mức phải bắt trẻ học lại, học chậm 1 năm. Vấn đề là nhanh chóng xác định rõ bé yếu hay thiếu hụt những gì và tìm ra cách phù hợp được trẻ chấp nhận để khắc phục những thiếu hụt, đồng thời giúp trẻ chuẩn bị tâm thế sẵn sàng vào lớp một.
Tốt nhất là, chị nên đưa bé đến gặp các chuyên gia tâm lý trẻ em để được đánh giá xem bé thiếu hụt những điểm gì. Bố mẹ cần tăng cường chơi cùng con, khuyến khích chơi các trò chơi kích thích phát triển khả năng quan sát, chú ý, tư duy (ví dụ: phát hiện những chi tiết thiếu/thừa/ không hợp lý trong một bức tranh, phân loại sự vật theo đặc điểm/ thuộc tính, tìm điểm khác biệt giữa 2 bức tranh, phát hiện những sự vật hiện tượng liên hệ với nhau theo cách nào đó, suy luận nhân quả, suy luận đối lập, giải quyết tình huống…).
Vì trẻ hứng thú và có vẻ như có khiếu về âm nhạc nên hãy bắt đầu từ những trò chơi dưới dạng trả lời các câu hỏi tại sao, cái gì, như thế nào… liên quan đến các bài thơ/ bài hát/âm nhạc. Hằng ngày thay vì phàn nàn hay lo lắng về trẻ , hãy tích cực trò chuyện cùng trẻ, cùng chơi đóng vai với, kể chuyện sáng tạo trẻ. Kiên trì làm theo những cách này, khen trẻ thường xuyên mỗi khi trẻ làm được, sẽ giúp trẻ dần tự tin và trở nên hoạt bát. Chúc chị thành công.
(PGS.TS. Nguyễn Công Khanh, chuyên gia trường Mầm Non Hoàng Gia (Equest Group), 343 Đội Cấn Hà Nội , tel: 04 762 4788)