Từ hôm nay (5/8), Công ty cổ phần Be Group lấn sân vào lĩnh vực giao nhận khi vận hành thêm hai dịch vụ giao hàng beExpress và beDelivery tại Hà Nội và TP HCM.
beExpress là dịch vụ chuyển phát, bưu chính hướng đến các doanh nghiệp thương mại điện tử. Be Group cho biết họ là đơn vị cung cấp dịch vụ beExpress cho hai đại gia thương mại điện tử Lazada và Adayroi. Trong khi đó, beDelivery hướng đến đối tượng khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Từ 15/8, hai dịch vụ này sẽ có mặt tại Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai và Cần Thơ.
"Chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ chiếm 30% thị phần giao nhận nội địa", ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Be Group cho biết.
Như vậy, với sự gia nhập của Be, thị trường giao nhận Việt Nam ngày càng nóng hơn khi liên tiếp tiếp đón thêm nhiều tên tuổi trong nước và quốc tế. Ngay trước Be là dịch vụ di chuyển, giao hàng MyGo của Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) – đơn vị vốn có thế mạnh trong mảng giao nhận hàng truyền thống.
Để hiện thực tham vọng chiếm 30% thị phần giao vận nội địa Be sẽ còn rất việc phải làm khi thị trường đã nằm trong tay một số ông lớn. Theo báo cáo chỉ số thương mại điện tử năm 2019 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) được 61% các đơn vị bán hàng thuê dịch vụ chuyển phát, tiếp theo là Viettel Post với 25%.
Be cam kết không tăng giá dịch vụ giao hàng trong giờ cao điểm. Tuy nhiên, Be đang áp dụng mức giá cao hơn so các ứng dụng gọi xe cùng cung cấp dịch vụ giao nhận trên thị trường. Sau 2 km đầu tiên với dịch vụ beDelivery, hãng thu phí 5.500 đồng cho mỗi km tiếp theo, cao hơn Grab 500 đồng, MyGo 1.000 đồng và Go Viet 1.500 đồng.
Hai dịch vụ mới giúp Be dần hoàn thiện hệ sinh thái công nghệ mở sau beBike và beCar vận hành từ cuối năm ngoái. Be Group cho biết hiện có 40.000 tài xế và hoạt động tại 7 tỉnh, thành phố. Hãng đặt mục tiêu hết năm nay thu hút được 100.000 tài xế và sẽ sớm ra ra mắt thêm dịch vụ giao đồ ăn.
Anh Tú