Sau khi hồi sức tim phổi tại bệnh viện ở Bình Dương, bé gái được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM) ngày 8/6. Bệnh nhi hôn mê sâu, tổn thương tim, tổn thương nặng nề cơ vân, phù não. Các bác sĩ cho bé thở máy, hỗ trợ tim, chống phù não, kháng sinh tích cực.
Hiện bé vẫn còn thở máy, tri giác cải thiện hơn, tình trạng tổn thương tim và hủy cơ vân trở về gần với bình thường. Sau khi cai thở máy, các bác sĩ mới có thể đánh giá được tổn thương thần kinh của bé.
Bố của bé cho biết anh lắp trụ điện để thắp sáng con đường trước nhà. Sau khi trời mưa, bé gái chạy đến chơi ở vũng nước thì bị nhiễm điện từ trụ này. Mẹ của bé thấy con gặp nạn chạy lại kéo ra cũng bị điện giật nhưng may mắn không nghiêm trọng.
Bác sĩ khuyến cáo khi phát hiện trẻ bị điện giật, cần lập tức ngắt nguồn điện, tách nạn nhân ra khỏi dòng điện. Nếu không biết cầu dao điện ở dâu thì cần dùng kìm cắt dây điện hoặc dùng vật dụng khô, cách điện để gạt dây điện ra. Nạn nhân đang ở nơi có nhiều nước thì cần đưa ra khỏi vùng nước. Cần ủ ấm, tránh để cho nạn nhân bị lạnh. Việc giữ thân nhiệt cho nạn nhân là rất quan trọng, nhất là với thời tiết lạnh.
Tuyệt đối không vì hoảng loạn mà sờ vào người bị điện giật khi chưa ngắt điện. Bản thân người sơ cứu cũng không được dùng tay không mà nên mang găng tay cao su hay quấn bao nilon, vải khô, đi dép khô, đứng ở nơi khô ráo khi ngắt nguồn điện.
Trường hợp nạn nhân đã ngừng thở, ngưng tim, nếu tích cực hô hấp hồi sức cấp cứu bằng cách hà hơi thở ngạt và nhấn tim kịp thời, đúng cách trong những phút đầu tiên. Không ít người, do không được sơ cứu đã tử vong trong thời gian đợi xe cấp cứu đến.
Để đề phòng điện giật, cần tuân thủ các quy tắc sử dụng điện an toàn. Phải lưu ý ngắt nguồn điện khi sửa điện, các ổ cắm điện, thiết bị điện để xa tầm với của trẻ em. Không cho trẻ chơi gần trụ điện, tủ điện đề phòng rò rỉ không biết trước, đặc biệt vào mùa mưa gió.
Hướng dẫn cách ép tim thổi ngạt cứu người ngưng thở