Ngày 26/9, PGS.TS.BS Phạm Văn Quang, Trưởng Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết bé trai vào viện cấp cứu hôm 22/9, huyết áp không đo được, mạch nhanh, sốt cao 41 độ. Các bác sĩ xử trí hồi sức, nhồi tim nhưng tình trạng của bé quá nặng, mất chỉ sau 15 phút nhập viện.
Trước đó, bé trai điều trị tại bệnh viện ở Cà Mau, sốt, mệt sau đó diễn tiến nặng phải thở máy. Bác sĩ chẩn đoán tay chân miệng mức 4 - độ nặng nhất, cực kỳ nghiêm trọng với các triệu chứng sốc, đe dọa tử vong. Sau hai ngày thở máy, sức khỏe bé ngày càng xấu, được gia đình chuyển đến TP HCM với nguyện vọng "còn nước còn tát".
"Rất tiếc tình trạng bé quá nặng, chúng tôi không thể cứu chữa được", bác sĩ Quang cho biết.
Theo phó giáo sư Quang, sau vài tuần tạm ổn, dịch tay chân miệng đang bùng lên ở các tỉnh Tây Nam Bộ sau khi trẻ đi học lại. Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc đang điều trị 10 ca nặng, trong đó 8 bé thở máy, hai trường hợp lọc máu, xấp xỉ với giai đoạn cao điểm hồi tháng 7, đa số trẻ chuyển từ các tỉnh miền Tây. Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM là bệnh viện nhi tuyến cuối ở miền Nam nên tập trung nhiều bệnh nhi nặng từ các tỉnh đến và thường trong tình trạng muộn, như em bé trên.
Tại Việt Nam, dịch tay chân miệng thường bùng phát mạnh vào khoảng tháng 3-5 và tháng 9-12. Đặc biệt, đỉnh dịch thường vào mùa tựu trường tháng 9, 10. Năm nay, dịch tay chân miệng bùng phát sớm ở phía Nam với số ca nhập viện tăng cao, hồi tháng 7.
Theo bác sĩ, bệnh tay chân miệng diễn biến nặng vốn rất nhanh, lại thêm năm nay chủng EV71 chiếm ưu thế, gây nhiều lo ngại. Chủng virus này có đặc tính gây bệnh nặng, nguy cơ tử vong cao hơn so với các tác nhân khác, từng gây các vụ dịch lớn vào năm 2011 và 2018.
"Công thức cứu sống bệnh nhi tay chân miệng nặng là phát hiện sớm, nhập viện kịp thời, điều trị tích cực bằng thở máy sớm, lọc máu sớm", phó giáo sư Quang nói, thêm rằng nếu trẻ đến khám, nhập viện kịp thời thì hầu hết cứu được.
Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh lưu ý phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh tay chân miệng gồm hồng ban, bóng nước lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông và loét họng để đi khám bệnh. Nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế khi có các dấu hiệu nặng gồm: sốt cao liên tục khó hạ, sốt trên hai ngày; nôn ói nhiều; giật mình chới với; run chi, đi đứng loạng choạng; thở mệt; chi lạnh, da nổi bông; co giật, rối loạn tri giác...
Lê Phương