Sau một Olympic nhiều ồn ào, từ buổi lễ mở màn bị chỉ trích "báng bổ tôn giáo" cho đến những tranh cãi về khâu tổ chức, cơ sở vật chất, khán giả thế giới càng thêm tò mò người Pháp sẽ làm gì trong sự kiện khép lại Thế vận hội.
Theo The Guardian, Thierry Reboul - Giám đốc điều hành Thế vận hội - đã sửa kịch bản "lần thứ n" để có những "khoảnh khắc về sự khoan dung, chia sẻ và hướng tới cộng đồng".
Trong sự kiện diễn ra tối 11/8 ở Paris, giám đốc nghệ thuật Thomas Jolly đưa khán giả qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ lắng đọng đến bùng nổ. Buổi lễ bắt đầu trong ánh hoàng hôn của kinh đô ánh sáng Paris, với hình ảnh vạc lửa khổng lồ đang dần tắt. Bên dưới, ca sĩ Zaho de Sagazan hát ca khúc kinh điển của Édith Piaf - Sous le Ciel de Paris (Dưới bầu trời Paris).
Vận động viên bơi lội người Pháp Léon Marchand xuất hiện, cầm theo chiếc đèn giữ ngọn lửa Olympic. Các nghệ sĩ múa, vận động viên, tình nguyện viên cùng hát Freed from Desire - được coi như bài hát không chính thức của Olympic. Sau đó, họ tiếp tục ngân nga We are the Champions của Queens. Tờ CNN đánh giá đây là một trong những khoảnh khắc ấn tượng nhất lễ bế mạc, khi 70.000 khán giả cùng hòa giọng.
Được dàn dựng kỳ công nhất là màn tái hiện sự hồi sinh của Thế vận hội. Tại một thời điểm tưởng tượng trong tương lai, sự kiện thể thao biến mất, nhưng dấu vết của nó được người du hành vàng (tiếng Anh: Golden Voyager) phát hiện. Những người khác đã theo anh ta khám phá ra lá cờ Hy Lạp (nơi khai sinh Olympic) và biểu tượng năm vòng tròn. Thế vận hội sau đó trở lại. Vũ công breakdance người Pháp Arthur Cadre đóng người du hành vàng, cùng hơn 100 nghệ sĩ khác góp mặt trong màn thu thập các vòng tròn.
Trang The Initium của Singapore phân tích lễ bế mạc muốn tái hiện một góc nhìn lịch sử về sự sụp đổ và tái sinh, đồng thời thể hiện niềm tự hào của người Pháp bởi họ có công phát triển Olympic. Tháng 7/1889, nhà giáo dục Pháp Pierre de Coubertin đã đề xuất ý tưởng khôi phục Thế vận hội theo hình thức hiện đại. Tháng 6/1894, tại Paris, Đại hội Thể thao Quốc tế thông qua nghị quyết khôi phục Phong trào Olympic, thành lập Ủy ban Olympic Quốc tế. Coubertin cũng là người sáng tạo biểu tượng năm vòng tròn, tượng trưng tinh thần đoàn kết.
Người du hành vàng lấy cảm hứng từ bức tượng The Genius of Liberty, đặt trên Cột tháng Bảy, Quảng trường Bastille, Paris. Hình ảnh tượng cũng xuất hiện trên đồng xu mười franc, đúc năm 1988.
Tiết mục độc đáo khác đến từ giọng ca opera Benjamin Bernheim và nghệ sĩ piano Alain Roche. Bernheim đứng trong vòng xoay khổng lồ, hát Hymn to Apollo, trong khi Roche đệm đàn với cây piano treo lơ lửng trên không, vuông góc với mặt đất.
Sau đó, chương trình chuyển đến phần âm nhạc sôi động. Dàn nghệ sĩ xuất hiện gồm ban nhạc indie Phoenix của Pháp, các nghệ sĩ Mỹ như Red Hot Chili Peppers, Billie Eilish, Snoop Dogg và Dr. Dre. Kết show, Yseult, ca sĩ da màu 29 tuổi người Pháp, nổi tiếng với các cuộc vận động chống phân biệt chủng tộc, cất tiếng hát My Way của Frank Satrina trong màn pháo hoa rực rỡ.
Trang Independent của Anh nhận xét lễ bế mạc hạn chế các màn nghệ thuật trừu tượng, mang hơi hướng một concert nhạc pop vui tươi. Còn người dẫn chương trình BBC Hazel Irvine, nói trên sóng trực tiếp khi đưa tin: "Đây không phải là thời điểm của nghệ thuật hàn lâm. Đã đến lúc để hát hò". Theo The Guardian, sự kiện trang nghiêm hơn khai mạc, nhưng có sự kết hợp hài hòa giữa hiện đại và truyền thống, giữa opera và rock, nhảy breakdance và diễn tạp kỹ.
So với lễ khai mạc, ban tổ chức giảm 30 phút thời lượng, đồng thời tiết chế việc giới thiệu các nét văn hóa Pháp. Trước đó, sự kiện mở màn gồm 10 chương, diễn ra trong bốn tiếng, tôn vinh lịch sử văn học, kịch nói, hội họa, thi ca Pháp.
Trang Deadline của Mỹ nhận xét sự xuất hiện của Tom Cruise làm lu mờ các tiết mục của dàn nghệ sĩ Pháp. Tờ The Guardian của Anh chung quan điểm: "Tom Cruise và Los Angeles đã chiếm trọn sự chú ý". Ở phần cuối, tài tử 62 tuổi nhảy từ độ cao 46 m, làm nhiệm vụ mang lá cờ từ Paris đến Los Angeles - thành phố đăng cai Olympic 2028. Trên X, pha mạo hiểm của diễn viên Mỹ trở thành chủ đề nóng.
Nhìn chung, nhiều trang báo đánh giá bế mạc Olympic thành công bởi "tránh được ồn ào như buổi khai mạc". Tờ Telegraph nhận xét mọi tiết mục của người Pháp đều diễn ra trực tiếp, với hiệu ứng kỹ xảo đẹp mắt, tạo hiệu ứng thị giác mạnh. Trong khi đó, phần lớn cảnh ở màn xuất hiện của Tom Cruise và tiết mục của Snoop Dogg, Billie Eilish được ghi hình từ trước.
Ngoài ra, theo The Guardian, lễ bế mạc trên sân vận động Stade de France là một kỳ tích về hậu cần của nước chủ nhà Pháp. Mọi buổi tập diễn ra từ 1h đến 5h sáng để không làm ảnh hưởng lịch thi đấu điền kinh.
So với Olympic 2020 diễn ra trong thời dịch, bế mạc Olympic Paris 2024 hoành tráng hơn. Trên X, một số khán giả nhận xét màn pháo hoa gợi nhớ những khoảnh khắc cuối cùng của Olympic London 2012.
Trang Lemonde của Pháp gọi bế mạc là một "lời chào đẹp" của ban tổ chức, với sự chứng kiến của 9.000 vận động viên, 270 nghệ sĩ, 70.000 khán giả và hàng triệu khán giả truyền hình: "Đây là buổi lễ kỷ niệm sự đoàn kết của nhân loại và sức mạnh thể thao".
Hà Thu (theo The Guardian, CNN, Independent)