8h sáng, Nguyễn Hoàng Thảo My, ở quận 6, vào bếp chuẩn bị trứng gà, trứng vịt, sữa tươi, sữa đặc và dụng cụ làm bánh. Trong gian bếp nhỏ, cô bé bắt đầu các công đoạn đánh trứng, rây lòng trắng thành thục. Bên chiếc bàn đặt giữa phòng, em gái My xếp sẵn cốc giấy bạc đựng bánh. Hôm nay, My có 80 đơn đặt hàng bánh flan. Giao hết số này, em thu về vài trăm nghìn đồng cả gốc lẫn lãi.
Một tháng qua, "tiệm bánh Thảo My" bán online và nhận được sự ủng hộ đều đặn từ bạn bè của ba mẹ hoặc những người yêu mến My. Trung bình mỗi ngày, cô bé làm 120 hộp bánh, gồm loại flan giá 17.000 đồng (hộp to) và 10.000 đồng (hộp nhỏ). Mấy hôm nay, tiệm có thêm món mới là bánh flan trân châu.
Ngoài bán, My còn gửi tặng các y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch. Vài tuần qua, My nhờ ba mang 120 phần bánh tới Bệnh viện Trưng Vương, 200 phần tới Bệnh viện Lê Văn Thịnh và Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 3. "Con rất vui khi bánh được cô chú yêu thích và phản hồi tốt", My chia sẻ.
My bắt đầu làm bánh bán từ năm 2020 khi dịch bệnh bùng phát. Lần đó, My ủng hộ được 2 triệu đồng vào Quỹ phòng chống Covid-19. Sau thời gian tạm nghỉ để đi học trở lại, em tái khởi động dự án vào đợt nghỉ hè đầu tháng 6. Xem tivi thấy dịch bệnh nguy hiểm, trong khi quỹ vaccine của thành phố đang cần sự ủng hộ của người dân, My xin bố mẹ làm bánh và đăng bán trên Facebook cá nhân.
Yêu thích nấu ăn và thường phụ mẹ làm bánh, My sớm biết cách làm những món đơn giản. Năm ngoái, My cần mẹ hỗ trợ vì không với tới bàn và chưa tự chưng được đường làm caramen. Năm nay cao lớn hơn, thuần thục công thức và có kinh nghiệm, My tự làm các công đoạn.
Để bánh flan ngon và mịn, My thường lọc hỗn hợp trứng, sữa hai lần. Trong các công đoạn, em thấy khó nhất là lọc lòng trắng trứng. Ở bước làm caramen, e m phải cẩn thận khi đun đường trên bếp để không bị bắn. "Sau khi đặt chảo lên bếp, con bật lửa, đổ đường vào chưng. Chú ý lửa không được bật to vì dễ cháy đường. Thấy nước đường chưng có màu vàng cánh gián là được", My nói.
Nướng bánh xong, My sẽ bọc, trang trí bên ngoài, trước khi gửi đi. Em viết "chúc cô/chú ngon miệng" rồi dán vào mỗi phần bánh flan vì muốn mọi người vui vẻ khi nhận hàng. My tâm sự làm bánh flan không vất vả, thỉnh thoảng cũng mỏi lưng và mỏi chân, nhưng thích thú và thấy ý nghĩa.
Chị Lâm Mỹ Phương, mẹ bé My, cho hay gia đình bất ngờ khi con xin làm bánh bán và gửi tặng các y bác sĩ. Để thuyết phục ba mẹ đồng ý, My phải trình bày kế hoạch làm như nào, bán bao nhiêu và gửi đi bằng cách nào.
Trước khi bắt đầu, chị nói chuyện với con, rằng đây không phải việc làm chơi và liên quan đến uy tín. Nếu không sắp xếp được thời gian, con không nên làm. Con cũng phải cam kết không bỏ dở giữa chừng và tự thực hiện. Ba mẹ sẽ chỉ tạo điều kiện và giúp mua nguyên liệu.
Do vẫn phải học online một tuần ba buổi nên My chỉ có thể làm bánh vào thứ hai, tư và sáu. Muốn dạy My về tinh thần trách nhiệm, cách quản lý tiền và kinh doanh, chị Phương hướng dẫn con tính toán với số vốn bỏ ra, cần bán bánh với giá bao nhiêu để duy trì tiệm và có lãi. Ngoài ra, để con dễ hình dung và có mục tiêu phấn đấu, chị quy ra mỗi liều vacccine là một triệu đồng.
"Hôm trước tổng kết tiền bán bánh, con để ra được 900.000 đồng. Biết sắp được một liều vaccine rồi, My mừng lắm", chị Phương kể.
Theo chị Phương, My cá tính và kiên định. Ngày nhỏ, My thường được theo ba mẹ trong các chuyến từ thiện, giúp đỡ cộng đồng. Sau khi câu chuyện về tiệm bánh của My được chia sẻ trên mạng xã hội, cô bé hạnh phúc vì được nhiều người biết tới. "My nói con làm việc này không phải để nổi tiếng. Càng nhiều người biết tới tiệm bánh, con sẽ bán được nhiều hơn và có tiền ủng hộ vào quỹ vaccine", chị Phương kể.
Biết tới hành động ý nghĩa của My, cô Nguyễn Thị Hiệp, chủ nhiệm lớp 3A7, trường Tiểu học Vinschool, chia sẻ rất tự hào. Ở lớp, My hoạt bát, thông minh và học tốt, nhất là các môn năng khiếu. Cô bé thích giúp đỡ những người khó khăn, biết quan tâm tới bạn bè cùng lớp.
Bình Minh