Theo gia đình, tình trạng ngứa kéo dài một tuần. Mẹ bé kiểm tra và phát hiện hậu môn của con có nốt sùi to bằng hạt đỗ, gia đình chỉ vệ sinh, không đưa đi khám. Sau một tuần, nốt sùi có xu hướng to lên, người mẹ lo lắng con mắc bệnh sùi mào gà nhưng nghĩ bệnh lây qua đường tình dục trong khi con trai mới hai tuổi.
Ngày 18/3, bác sĩ Nguyễn Tiến Thành, Hội Da liễu Việt Nam, cho biết bệnh nhi đến khám khi nốt sùi sưng to, gây bất tiện sinh hoạt, xét nghiệm PCR type HPV chẩn đoán bé trai mắc sùi mào gà.
Khai thác tiền sử bệnh cho thấy bé trai thường xuyên ở với người bác gái và được người này trực tiếp chăm sóc hằng ngày. Người bác mắc bệnh sùi mào gà.
Bác sĩ nhận định có thể nguồn lây HPV (gây sùi mào gà) là từ người bác, thông qua các dịch tiết bám khăn, bề mặt các đồ dùng... Bệnh nhi được điều trị bằng phương pháp laser loại bỏ tổn thương và ánh sáng trị liệu ngăn khối sùi có thể lây sang các vị trí khác.
Bệnh sùi mào gà bắt đầu bởi biểu hiện tổn thương sẩn mềm màu da, hồng hoặc màu nâu, đường kính khoảng một vài milimet. Sau vài tuần đến vài tháng, các tổn thương to dần, có thể hợp lại thành mảng lớn hơn tổn thương dạng súp lơ - mào gà.
Đa số trường hợp mắc bệnh là lây qua đường qua tình dục, một số trường hợp còn lại lây qua các đường trung gian như dùng chung khăn tắm, dụng cụ chứa virus HPV. Với trẻ nhỏ, nguyên nhân mắc bệnh chủ yếu là lây truyền qua vật trung gian.
Bác sĩ khuyến cáo trong sinh hoạt hằng ngày cần vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đặc biệt dùng và giặt riêng đồ cá nhân như khăn mặt, khăn tắm, bàn chải đánh răng, đồ lót để không lây bệnh cho các thành viên trong gia đình. Khi mắc bệnh, cần phải đến các cơ sở uy tín, được cấp phép và có bác sĩ chuyên khoa thăm khám, tránh "tiền mất, tật mang".
Thúy Quỳnh