Những năm trở lại đây, nghề tài xế công nghệ đang ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam. Be Group ước tính có khoảng 300.000 tài xế phục vụ trong lĩnh vực ứng dụng gọi xe, 380 cơ sở sát hạch, đào tạo lái xe.
Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp nhận định chưa có nơi nào cung cấp kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ chuyên nghiệp cho người lao động. Ngoài thiếu quy trình chuyên nghiệp hóa nghề tài xế công nghệ, đối tượng này cũng chưa được hưởng chế độ phúc lợi lao động như bảo hiểm y tế - sức khỏe, chế độ lương hưu.
Nhằm tạo ra môi trường làm việc an toàn, thuận lợi hơn cho các bác tài, đồng thời xây dựng dịch vụ chuyên nghiệp, Be Group triển khai loạt chương trình đào tạo và phát triển năng lực của đội ngũ tài xế. Vào giữa tháng 10, doanh nghiệp ký kết hợp tác với Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội để xúc tiến hoạt động này.

Các tài xế tham gia khóa đào tạo dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia.
Không lâu sau buổi ký kết, khóa huấn luyện tài xế công nghệ chuyên nghiệp đầu tiên do Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), trường Cao đẳng nghề Bách Khoa và doanh nghiệp phối hợp tổ chức đã lần lượt diễn ra tại Hà Nội và TP HCM vào ngày 20 và 21/10.
Các khóa đào tạo cung cấp 4 nhóm kiến thức - kỹ năng, gồm kiến thức lái xe đúng luật và an toàn, kỹ năng xử lý tình huống giao thông, dịch vụ khách hàng, kiểm soát cảm xúc, nhằm đưa tài xế công nghệ trở thành nhóm lao động chất lượng, chuyên nghiệp.
Học phần được hưởng ứng nhiều nhất là "Dịch vụ khách hàng và kiểm soát cảm xúc" do TS Hoàng Trung Học - Trưởng khoa Giáo dục - Học viện Quản lý Giáo dục giảng dạy. Học phần đã chỉ ra những căng thẳng của nghề tài xế công nghệ: vất vả nắng mưa, căng thẳng với kẹt xe, mệt mỏi vì khách hàng khó tính, đối phó áp lực gia đình. Nghề tài xế còn phải đối diện những tình huống nguy hiểm như gây gổ bị thương tích, ảnh hưởng an toàn sức khỏe, tính mạng. Từ đó, chỉ ra cảm xúc có tác động lớn đến tâm lý của người lái xe, làm sao để làm chủ, kiểm soát cảm xúc tiêu cực.

TS Hoàng Trung Học Trưởng khoa Tâm lý Giáo dục (Học viện quản lý giáo dục) trực tiếp giảng dạy cho tài xế be.
Bên cạnh kiến thức về dịch vụ, kiểm soát cảm xúc hiệu quả, các tài xế be còn được đào tạo kiến thức về an toàn giao thông nâng cao, nhằm xử lý những tình huống giao thông phức tạp với ThS. Trần Văn Mười - Trưởng phòng Đào tạo Trường Trung cấp Nghề Giao thông Công chính Hà Nội. Chương trình mang đến những trường hợp thực tế như cách xử lý khi ô tô mất lái, kẹt chân ga, làm gì khi xe nổ lốp, thậm chí là xử lý tình huống khi cửa xe ô tô bị khóa, xe bị cháy
Anh Phạm Văn Vinh - tài xế be chia sẻ, sau chia sẻ của chuyên gia, anh nhận ra mình phục vụ khách hàng tận tâm như phục vụ người thân thì chuyến xe sẽ vui vẻ, khách sẽ hài lòng.
"Mình mong là tất cả anh em chạy xe công nghệ đều được học những điều này, nhất là kiến thức về ứng xử với khách hàng", anh Vinh nói.
Anh Nguyễn Quốc Cường - tài xế beCar cho rằng, các bác tài phải có ý thức nghề nghiệp và đầu tư cho nó, chủ động từng việc nhỏ trong tương tác với khách hàng, phải để ý nhu cầu của khách hàng chứ không phải chỉ là phục vụ một cách bản năng.

Cũng trong khóa học, các tài xế được dịp tham gia các hoạt động theo nhóm, giúp xây dựng tinh thần đồng đội.
Cũng trong chiến lược nâng cao chất lượng dịch vụ, Be Group cũng đang triển khai cuộc thi "Tay lái vàng". Cuộc thi nhằm tìm kiếm, đào tạo và tôn vinh các tài xế công nghệ. Đây cũng là cơ hội giao lưu, học hỏi giữa các tài xế, nâng cao nhận thức của cộng đồng về nghề, theo đại diện Be Group.
Bảo An