Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc, phụ trách khối ngoại Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết bé gái ngụ quận Bình Thạnh đến viện trong tình trạng vàng da kéo dài tăng dần khoảng hai tháng và đi cầu phân trắng. Qua CT Scan vùng bụng, bác sĩ phát hiện một khối u gan rất lớn chiếm hết toàn bộ gan trái. Đây chính là nguyên nhân gây ra tình trạng vàng da tắc mật bất thường. Bé được chỉ định phẫu thuật để loại bỏ khối u.
Thạc sĩ Vũ Trường Nhân, Phó Khoa Ngoại Tổng hợp, trưởng nhóm phẫu thuật ung bướu Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết khối u này rất lớn, chiếm hết gan trái và lấn qua một phần gan phải bệnh nhi. Hơn nữa khối u còn dính rất nhiều vào các cơ quan xung quanh. Việc mổ cắt gan chứa u trên bệnh nhi vô cùng khó khăn và nghi ngờ tính chất ác tính. Kíp mổ quyết định chỉ sinh thiết với hy vọng hóa trị sẽ làm giảm kích thước và tình trạng tắc mật, giúp phẫu thuật nhẹ nhàng.
"Nếu kết quả sinh thiết u là ác tính, việc hóa trị sẽ giúp cuộc mổ nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên đây lại là một khối u hamartoma hay còn gọi là u mô thừa, lành tính", bác sĩ Nhân chia sẻ. Phẫu thuật cắt gan chứa trọn khối u là phương pháp duy nhất để giữ mạng sống của bé. Giải pháp này không thể chờ đợi thêm vì tình trạng tắc mật đang làm bệnh nhi ngày càng suy kiệt.
Trải qua cuộc mổ rất khó khăn với hơn tám giờ căng thẳng, ê kíp đã cắt ba phân thùy gan trái chứa khối u và tái tạo lại đường mật mới bằng đường ruột cho bé. Bệnh nhi mất khoảng 500 ml máu. Sau mổ hai tuần, bé gái hiện hồi phục tốt, dần hết tình trạng vàng da, ăn uống ngon miệng.
"Có những lúc tưởng chừng như tuyệt vọng chịu thua vì khối u gan này gần như dính chặt vào mọi cấu trúc xung quanh và chảy máu rất nhiều từ mỗi vị trí ê kíp tách khối u ra", bác sĩ Nhân nói.
Khối u còn xâm lấn, vùng rốn gan bao bọc các mạch máu nuôi gan và làm xơ hóa toàn bộ đường mật ngoài gan, bác sĩ phải phẫu tích hết sức cẩn thận để bảo tồn toàn bộ mạch máu của phần thùy gan phải còn lại cho bệnh nhi. Bên cạnh đó tình trạng ứ mật làm cho mô gan và các mạch máu của gan rất bở, dễ bị rách khiến cho bệnh nhi dễ dàng mất nhiều máu trong lúc phẫu thuật.
Giáo sư Trần Đông A, cố vấn chuyên môn ngoại khoa Bệnh viện Nhi đồng 2 nhận định sự thành công của cuộc mổ trên đánh dấu bước ngoặt lớn cho lĩnh vực phẫu thuật gan mật trẻ em tại viện. Nhiều nơi trên thế giới chủ động lựa cho ghép gan cho bệnh nhi vì đôi khi thực hiện cắt gan trên những trường hợp này còn khó hơn cả ghép gan.