Ngày 11/7, đại diện Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cho biết bệnh nhi suy hô hấp nặng, phải đặt nội khí quản, thở máy, chẩn đoán uốn ván mức độ nặng.
Bé được cách ly trong phòng riêng, hạn chế tiếng ồn, ánh sáng và các kích thích bên ngoài. Bác sĩ cho thở máy, tiêm huyết thanh kháng độc tố uốn ván, sử dụng an thần, chống co giật, giãn cơ, kháng sinh, đồng thời tập phục hồi chức năng... Sau gần một tháng điều trị, bé tỉnh táo, tiếp xúc tốt, có thể tự thở nên được cai máy thở và phục hồi vận động gần như bình thường.
Bệnh uốn ván rất nguy hiểm, nếu chẩn đoán không đúng, xử trí không kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong rất nhanh. Tất cả người bệnh đều phải nhập viện, nằm ở những khoa săn sóc đặc biệt, việc điều trị kéo dài, tốn kém vì đa số phải thở máy, dùng nhiều phương tiện, thuốc men đắt tiền.
Vi khuẩn uốn ván thường xâm nhập vào cơ thể qua vết thương hở bị nhiễm bẩn (đất, cát bụi, phân người hoặc súc vật). Bệnh nhân thường là người lao động chân tay, người bị dằm, gai đâm, người tai nạn giao thông có vết thương dính bùn đất mang vi khuẩn, trẻ sơ sinh có mẹ không chích ngừa uốn ván khi mang thai, sinh nở tại nhà dùng dụng cụ cắt rốn không vô trùng...
Triệu chứng của bệnh ban đầu thường là mỏi hàm, cứng hàm, nuốt khó, sau đó co cứng cơ toàn thân, lan xuống tay, bụng, ngực, cổ, giống như chuột rút toàn thân, khó thở... Nặng hơn có thể co giật toàn thân, co thắt người.
Bác sĩ khuyến cáo không chủ quan với vết thương hở dù nhỏ, nên đi chích ngừa nếu trước đó chưa được chủng ngừa đầy đủ. Ngừa uốn ván bằng cách tiêm hai mũi cách nhau một tháng, sau đó khoảng 6-12 tháng sau chích thêm một mũi. Nhắc lại mỗi 5-10 năm giúp tạo đủ kháng thể phòng bệnh. Phụ nữ có thai cần được tiêm phòng uốn ván chủ động để phòng ngừa uốn ván sơ sinh cho con.
Lê Phương