Ngày 4/4, BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết tình trạng bệnh nhi vẫn nặng, phải thở máy, được cách ly và điều trị tại phòng theo dõi đặc biệt.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tây Ninh, bé gái ngụ phường Long Hoa, thị xã Hòa, sốt cao sau khi đi học về, được mẹ cho uống thuốc hạ sốt, chiều 29/3. Đến khuya, bé lại sốt, kèm nổi ban ửng đỏ toàn thân, tiếp tục uống hạ sốt. Rạng sáng hôm sau, bé vẫn sốt cao nên được đưa vào bệnh viện địa phương.
Sau đó, bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP HCM) với chẩn đoán ban đầu là sốt nhiễm trùng, nghi ngờ nhiễm trùng huyết hoặc viêm mạch máu xuất huyết. Bệnh nhi được lấy mẫu dịch não tủy xét nghiệm PCR, kết quả nhiễm vi khuẩn não mô cầu Neisseria Meningitidis, ngày 2/4.
Những năm gần đây bệnh viêm não mô cầu ít gặp dần, một phần nhờ nhiều trẻ được chích ngừa vaccine. Bệnh diễn biến rất nhanh, có thể gây tử vong trong vòng 24 - 48 giờ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bệnh nhân dễ đối diện với những di chứng như hoại tử chi, điếc, liệt, chậm phát triển trí tuệ...
Bệnh lây qua đường hô hấp do hít phải các giọt bắn của dịch tiết hô hấp có chứa mầm bệnh, gặp nhiều vào mùa đông - xuân. Mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh. Nhóm tuổi nguy cơ mắc bệnh cao là trẻ dưới 5 tuổi, thanh thiếu niên 14-20 tuổi, người suy giảm miễn dịch...
Dấu hiệu bệnh là sốt cao đột ngột, đau đầu dữ dội, nôn, cứng gáy, mệt mỏi, có thể có đau họng, chấm hay mảng xuất huyết, ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước.
Để phòng bệnh, người dân nên thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường. Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, nơi làm việc, đeo khẩu trang nơi công cộng.
Chủ động tiêm phòng vaccine phòng bệnh cho trẻ tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ. Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Lê Phương