Hai ngày trước khi nhập viện, bé sốt, nôn ói, tiêu chảy nhiều lần trong ngày. Ban đầu bé điều trị tại phòng khám y tế gia đình và một bệnh viện với chẩn đoán nhiễm trùng huyết, tình trạng không cải thiện nên chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị.
Ngày 26/1, PGS.TS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Điều trị tích cực Nội khoa, người trực tiếp điều trị bệnh nhi, cho biết trẻ nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, có biểu hiện vàng da rất rõ, suy tuần hoàn, suy chức năng thận, các phản ứng viêm tăng cao. Chỉ định điều trị ban đầu là theo dõi nhiễm khuẩn huyết, suy chức năng các cơ quan.
"Tuy nhiên, qua khai thác dịch tễ, trước khi khởi phát bệnh trẻ đi du lịch ở vùng núi rừng, chúng tôi nghi ngờ trẻ bị sốt rét nên chỉ định làm xét nghiệm tìm ký sinh trùng sốt rét trong máu", PGS Tuấn nói, thêm rằng sau 18 giờ nhập viện, kết quả xét nghiệm cho thấy trẻ dương tính với ký sinh trùng sốt rét do chủng Plasmodium falciparum gây ra.
Sau khi có kết quả xét nghiệm, các bác sĩ khoa Điều trị tích cực Nội khoa hội chẩn cùng đồng nghiệp có kinh nghiệm về sốt rét và kết luận chẩn đoán trẻ bị sốt rét ác tính, suy đa cơ quan. Ngay lập tức, bệnh nhi được dùng thuốc điều trị sốt rét, tuy nhiên sau một ngày điều trị tình trạng vẫn tiến triển nặng lên, bị tan máu, suy thận, suy gan nặng hơn. Do đó, các bác sĩ quyết định thay huyết tương, lọc máu liên tục cho bệnh nhi để hỗ trợ các tạng, đồng thời vẫn sử dụng thuốc chống sốt rét.
May mắn, sau ngày điều trị thứ hai, bệnh nhi vượt qua cơn nguy kịch, tình trạng suy gan, thận giảm. Trẻ tiếp tục được dùng thuốc chống sốt rét, theo dõi chức năng sống và xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét hàng ngày. Sau 5 ngày điều trị, hiện bệnh nhi đã cắt sốt, sức khỏe ổn định và tiên lượng xuất viện trong vài ngày tới.
PGS Tuấn cho biết bệnh sốt rét ác tính rất hiếm gặp ở khu vực đồng bằng Bắc bộ, vì đây không phải vùng dịch tễ, các triệu chứng và điều trị chủ yếu chỉ có trong sách vở giảng dạy. Do đó, việc khai thác chi tiết bệnh sử để đưa ra chính xác chỉ định xét nghiệm chẩn đoán, đồng thời hội chẩn nhóm để tìm được phác đồ điều trị nhanh chóng, hiệu quả, chủ động hỗ trợ các chức năng tạng cho trẻ là chìa khóa trong việc chăm sóc và điều trị thành công ca bệnh. Nếu không chẩn đoán đúng bệnh sốt rét ác tính mà chỉ điều trị theo hướng nhiễm trùng, bệnh nhi có nguy cơ tử vong rất cao.
Sốt rét ác tính là một thể sốt rét nguy kịch do người bệnh bị nhiễm ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum, gây nên rối loạn huyết động, tắc nghẽn vi tuần hoàn phủ tạng, nhất là ở não. Bệnh có thể gây tổn thương ở nhiều phủ tạng khác nhau như não, gan, lách, thận, tim, phổi... với cơ chế chủ yếu là giảm sự cung cấp máu, thiếu oxy ở các tổ chức.
Sốt rét ác tính có tỷ lệ tử vong cao, tỷ lệ này cũng thay đổi tùy theo thể loại sốt rét ác tính, cơ địa của người bệnh và việc xử trí cấp cứu điều trị kịp thời hay chậm trễ. Vì vậy khi phát hiện người có các biểu hiện của sốt rét ác tính thì cần khẩn trương đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.
Đồng thời, các gia đình cần nâng cao nhận thức về bệnh sốt rét và tìm hiểu kỹ về khu vực dự định đi du lịch, cắm trại, để tránh gặp những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Lê Nga