"Đây là một ca sinh thường", bác sĩ Romeo Bituin, giám đốc chuyên môn y tế của Bệnh viện Tưởng niệm Jose Fabella - nơi bé gái chào đời, cho biết, theo Manila Bulletin. Bé gái được đặt tên là Venice Mabansag.
Giám đốc hành chính của Ủy ban Dân số và Phát triển Philippines (POPCOM), thuộc Cơ quan Thống kê Philippines (PSA), bà Lyneth Therese Monsalve, hy vọng bé Venice sẽ "là biểu tượng của sự phát triển trong tương lai".
Mẹ của bé, bà Maria Margarette Villorente, chia sẻ niềm vui khi con mình được coi là "em bé thứ 8 tỷ của thế giới", nói "đây là sự may mắn đối với gia đình".
Sáng cùng ngày, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) cũng ghi nhận dân số thế giới chạm mốc 8 tỷ người, ước tính có thể đạt 9 tỷ người vào năm 2037. Theo UNFPA, sự tăng trưởng chưa từng có này là do tuổi thọ của con người tăng nhờ những tiến bộ về sức khỏe cộng đồng, chế độ dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân và thuốc men. Đây cũng là kết quả của mức sinh cao, bền vững ở nhiều quốc gia.
Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, cho rằng dù còn nhiều thách thức trước mắt nhưng đằng sau con số 8 tỷ người và việc chạm tới cột mốc quan trọng này là một câu chuyện về thành công. "Chúng ta đã giảm được tỷ lệ nghèo đói và đạt được những tiến bộ vượt bậc trong các vấn đề xã hội. Chúng ta đang có dân số đông đảo hơn bao giờ hết, một phần là do tuổi thọ tăng lên, đồng thời tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh giảm đi", bà nói.
Nhân loại đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến nhiều thế hệ như biến đổi khí hậu, xung đột và Covid-19. Những vấn đề này đang gây ra tác động vô cùng lớn đến nhóm dân số yếu thế và dễ bị tổn thương nhất.
"Hàng triệu người vẫn đang sống trong cảnh nghèo đói và thiếu dinh dưỡng, không được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và bảo trợ xã hội, không thể hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông có chất lượng", bà Naomi Kitahara chia sẻ, thêm rằng phụ nữ trên khắp thế giới vẫn chưa được thực hiện quyền cơ bản là đưa ra quyết định đối với cơ thể và tương lai của mình.
Liên Hợp Quốc dự báo dân số thế giới sẽ mất thêm 15 năm, từ nay đến năm 2037, để đạt 9 tỷ người. Đây là dấu hiệu cho thấy tốc độ tăng trưởng chung của dân số toàn cầu đang chậm lại. Trước đó, dân số tăng từ 7 tỷ lên 8 tỷ người trong vòng 12 năm. Mức tăng dân số toàn cầu giảm xuống dưới 1% vào năm 2020. Dân số có thể đạt đỉnh vào những năm 2080, lên khoảng 10,4 tỷ người và duy trì ở mức độ này cho đến năm 2100.
Báo cáo Triển vọng Dân số Thế giới 2022 cho thấy mức sinh giảm rõ rệt ở nhiều quốc gia trong những thập kỷ gần đây. Hiện nay, hai phần ba dân số toàn cầu sống ở một nước hoặc vùng lãnh thổ có mức sinh dưới 2,1 lần trên một phụ nữ, gần bằng mức cần thiết để đạt tăng trưởng bằng 0 trong thời gian dài với nhóm dân có tỷ lệ tử vong thấp. Dân số của 61 quốc gia và vùng lãnh thổ được dự báo sẽ giảm từ 1% trở lên kể từ năm 2022 đến năm 2050 do mức sinh thấp, tỷ lệ di cư tăng cao.
Các quốc gia thu nhập thấp thường là nơi có mức sinh cao nhất. Do đó, sự gia tăng dân số toàn cầu theo thời gian sẽ tập trung vào những nước nghèo nhất thế giới, hầu hết ở khu vực châu Phi cận Sahara. Ở những quốc gia này, tốc độ tăng dân số nhanh, kéo dài có thể cản trở các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) - con đường tốt nhất để thế giới hướng đến một tương lai bền vững và khỏe mạnh.
Trên toàn thế giới, tuổi thọ trung bình đạt 72,8 vào năm 2019, tăng gần 9 tuổi kể từ năm 1990. Tuổi thọ trung bình toàn cầu sẽ tăng lên khoảng 77,2 tuổi vào năm 2050 do tỷ lệ tử vong tiếp tục giảm.
Gia tăng dân số khiến việc phát triển kinh tế tác động nhiều hơn đến môi trường. Thu nhập bình quân đầu người cũng sẽ tăng. Đây là động lực chính của các mô hình sản xuất và tiêu dùng không bền vững. Tuy nhiên, nơi có mức tiêu thụ tài nguyên vật chất và phát thải khí nhà kính cao nhất thường là nước thu nhập bình quân đầu người cao, thay vì các quốc gia có dân số tăng nhanh.
Thục Linh - Lê Nga