Khoa Nhi, Bệnh viện Phụ sản - Nhi (Đà Nẵng) đang tiếp nhận cháu Phạm Thị Thô (10 tuổi, trú xã Ba Nam, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) bị ong vò vẽ đốt. Do nhập viện muộn nên đến hôm nay sức khỏe của cháu vẫn đang nguy kịch, phải thở máy và lọc máu thường xuyên.
Trao đổi với VnExpress.net, bác sĩ Lê Thanh Cẩm, người trực tiếp điều trị cho cháu Thô cho biết, cháu được Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi chuyển ra đêm 24/6 trong tình trạng hôn mê độ 2, cao huyết áp, không tiểu được, thở kém, vàng da niêm mạc...
Bệnh nhân Thô với các vết ong đốt trên người vẫn đang trong tình trạng nguy kịch. Ảnh: Nguyễn Đông |
Các bác sĩ đã tiến hành đặt máy thở, dùng thuốc kháng sinh liều cao và làm các xét nghiệm. Kết quả cho thấy bệnh nhân bị suy đa cơ quan nên sau 3 giờ nhập viện, bệnh viện đã quyết định lọc máu liên tục cho em.
"Hiện các thông số kỹ thuật trong quá trình điều trị cho thấy đã cải thiện được phần nào suy đa cơ quan nhưng bệnh nhân vẫn đang trong giai đoạn nguy hiểm" - bác sĩ Cẩm nói.
Theo bác sĩ Cẩm, cháu Thô nhập viện nguy kịch là do gia đình quá nghèo, bố mẹ lại kém hiểu biết nên đưa con đi cấp cứu quá muộn.
"Ngay cả lúc con đang bất tỉnh và được các bác sĩ cấp cứu, bố của cháu Thô đứng phía ngoài lo lắng bảo ngày mai lấy đâu ra tiền để ăn", bác sĩ Cẩm kể.
Chị Phạm Thị Kim, mẹ của cháu bé, khuôn mặt hốc hác vì thiếu ngủ, cho biết cháu bị ong đốt cách đây 6 ngày. "Hôm đó con tôi đi chăn bò thì bất cẩn bị ong rừng đốt chi chít khắp người. Về nhà nó kêu đau, người nóng ran. Tôi có bàn với chồng mang con đi cấp cứu nhưng chồng bảo không có tiền, không dám đi", chị Kim kể.
Đến ngày thứ 3 gọi mãi không thấy con nói gì, nằm bất động, hai vợ chồng mới cõng con vượt 8 km đường rừng đón xe xuống TP Quảng Ngãi. Số tiền hai vợ chồng gom góp được chỉ đủ trả tiền xe. Suốt quãng đường từ Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi ra Đà Nẵng, anh Phạm Văn Da, chồng chị cứ đứng ngồi không yên vì trong túi không còn một đồng.
Chị Kim ngồi bần thần, lo lắng về bệnh của con và số tiền trả viện phí mà hai vợ chồng chưa biết cậy nhờ vào ai. Ảnh: Nguyễn Đông |
Chị Kim nói gia đình chị được hai đứa con, Thô là con gái đầu. Hai vợ chồng làm rẫy, trồng sắn nhưng chưa được thu hoạch. Cháu Thô đang nghỉ hè nên đi chăm bò giúp mẹ, dự tính đến khi cháu vào lớp 5, bán bò mua quần áo mới, thì gặp nạn.
Theo các bác sĩ, từ khi hai vợ chồng chị Kim đưa con ra điều trị, bệnh viện đều giúp cơm nước theo hỗ trợ chung cho đồng bào miền núi. Cháu Thô chưa có cảm giác ăn nên được nuôi dưỡng tĩnh mạch. Sau khi lọc máu cứu sống bệnh nhân, cháu Thô sẽ phải lọc đi lọc lại nhiều lần và phải chạy thận nhân tạo,...
"Đến hôm nay gia đình bệnh nhân vẫn chưa nộp được thẻ Bảo hiểm y tế nên bệnh viện vẫn đang phải ứng tiền viện phí cho cháu điều trị. Chỉ tính riêng tiền lọc máu liên tục mỗi ngày đã mất 13 - 14 triệu đồng, nay đã là ngày thứ hai. Sợ gia đình bệnh nhân sống nhờ rừng, nhờ rẫy không kham nổi", bác sĩ Cẩm tâm sự.
Ngồi chăm con, anh Da cứ đứng ngồi không yên. Còn chị Kim nước mắt lưng tròng bảo: "Giờ chắc sẽ phải bán bò trả được phần nào tiền thuốc men cho con. Ở trong làng ai cũng nghèo như nhau nên chẳng biết nhờ vả vào ai".
Bạn đọc quan tâm xin liên hệ về Khoa Nhi, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Số điện thoại: 05113.957.720
Số TK: 56110000292028
Tên Chủ TK: Chi hội bác sĩ trẻ khoa nhi bệnh viện đà nẵng
Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam – BIDV – chi nhánh Đà Nẵng.
Sau khi gửi nhà hảo tâm liên lạc luôn với bệnh viện qua số điện thoại 05113957720 của bệnh viện để nhân viên BV kiểm lại số tiền và rút cho gia đình cháu.
Nguyễn Đông