Chúng tôi tìm đến gia đình cháu Hồ Thị Nguyệt (7 tuổi) ở Xóm 16, xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu, đi bộ men theo con đường đất ngoằn ngoèo mới đến nhà cháu. Ngôi nhà nhỏ nằm dưới chân núi, tách biệt hẳn với các ngôi nhà trong xóm. Căn nhà cửa khóa im lìm, mãi một lúc sau mới có một phụ nữ đã luống tuổi dáng vẻ lam lũ, chậm chạp đi sang. Nhìn thấy bà, cháu thì thầm nói với tôi “Bác họ cháu đấy”.
![Hura-2-4725-1384756443.jpg](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2013/11/18/Hura-2-4725-1384756443.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=BKAHQHqX_EcvNozrU22CMw)
Bé Nguyệt trong vòng tay của anh chị đoàn viên.
Căn nhà được xây xong thì bố mẹ cháu lần lượt qua đời, giờ đây, căn nhà vắng vẻ và lạnh lẽo hơn. Bà nghẹn ngào nói: “Tôi thấy xót xa lắm, nhìn cháu lũi cũi một mình, tự làm mọi việc để sinh tồn, anh trai thì đi Nam làm ăn, gia đình tôi thì cũng vất vả, nhiều lần đã đón cháu qua nhà nhưng nhất quyết cháu không chịu. Cháu bảo “Anh con đi rồi thì con phải ở nhà trông nhà, phải thắp hương cho bố mẹ chứ, con bé ngoan mà còn có hiếu”.
Bước vào căn nhà, một cảm giác trống tênh, lạnh lẽo giữa cái không khí ảm đạm của mùa đông. Nhìn đứa cháu, bà Nguyễn Thị Thuyết kể: “Năm 2012, bố cháu, anh Hồ Xuân Hào (42 tuổi) đột tử sau khi đi làm về khi điếu thuốc còn cháy dở trên tay. Mấy mẹ con sống khổ sở khi mất đi người trụ cột. Niềm đau con mất cha, vợ mất chồng chưa nguôi thì chưa đầy một năm sau mẹ em lại đột ngột ra đi vì căn bệnh ung thư phổi. Anh con trai đầu lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn nên đau yếu liên miên, nên thân hình teo tóp dù đã 20 tuổi.
Lo tang cho mẹ xong, người anh lại đổ bệnh, đau ốm liên miên, đau nhức vùng bụng, rồi nhanh chóng xuống cân. Không có người lớn nên cũng chủ quan gắng gượng làm để chăm sóc em gái. Mãi sau này vì quá đau nên được bác đưa đi khám thì phát hiện em bị viêm cầu thận nặng, việc phải chạy thận nhân tạo chỉ còn là thời gian. Ý thức được việc phải tự lo cho mình và em gái, Trọng đã trốn bác bỏ đi Nam làm thuê kiến tiền, hàng tháng gửi về nuôi em và dành dụm để chữa bệnh.
Kế đến đây, bà Thuyết nghẹn ngào: “Lúc trước, khi làm đám ma cho mẹ cháu, thấy hoàn cảnh của anh em nó mà ai cũng không kìm được nước mắt, thằng anh ốm yếu, con em quá nhỏ, hai vành khăn tang trên đầu quá nặng đối với chúng, không còn cha mẹ thì không biết tương lai của các cháu như thế nào? Tôi là bác họ nhưng cũng không giúp được gì nhiều bởi gia đình tôi cũng cảnh nghèo”.
Vừa tâm sự, bà Thuyết lại bàn thờ hai em, run run tay thắm nén nhang mà cổ họng bà cứ nghẹn lại. Rồi nước mắt bà lại rơi xuống… Nguyệt đứng cạnh bác, rồi nhìn di ảnh bố mẹ và bất ngờ ngồi phịch xuống đất, khóc rưng rức: “Bác ơi, cháu nhớ bố mẹ lắm! Sao bố mẹ cháu đi mãi không thấy về với anh em cháu hả bác?”.
Nhưng lời nói ngây thơ của đứa trẻ như cứa vào lòng người. Lâu rồi, hai em thiếu đi vòng tay che chở của bố mẹ. Bà bác họ nghèo nhìn đứa cháu ngây thơ rồi ôm Nguyệt vào lòng nghẹn ngào: “Tôi rất lo đến tương lai con bé sau này, nó đang cắp sách đến trường, anh trai cháu ốm yếu, rồi đây cháu sẽ bấu víu ai làm chỗ dựa. Tôi bảo nó về ở với tôi nhưng nó không chịu, mà gia đình tôi cũng nghèo chả lo được gì cho cháu. Được cái cháu Nguyệt rất ham học. Nhiều lần cháu cứ thì thầm với tôi: “Bác ơi cháu sẽ cố học thật giỏi để sau này bố mẹ cháu về sẽ rất vui. Cháu mơ ước lớn lên cháu học giỏi làm bác sĩ chữa bệnh cho anh cháu”.
Cả bố và mẹ mất đi, cháu Nguyệt dù mới 7 tuổi nhưng đã phải gắng gượng làm nhiều việc, mà đáng lẽ ra ở cái tuổi của cháu chưa phải làm bởi anh trai phải đi làm thuê ở xa.
Không gian như lắng lại, Nguyệt chạy lại nấp bên bác, đưa đôi mắt tròn to, đen láy hướng về bàn thờ bố mẹ. Sự im lặng ấy, bỗng văng vẳng tiếng hát ru của ai đó, khiến cho ai đó nghe cũng thấy nhói lòng: “Mồ côi cha ăn cơm với cá; mồ côi mẹ lót lá mà nằm…”.
Cuộc sống hàng ngày của anh em Nguyệt duy trì được là sự gồng mình đầy nghị lực của hai anh em, cùng với sự giúp đỡ của anh em, cô bác chòm xóm. Chính quyền xã cũng đã phát động một đợt quyên góp ủng hộ để động viên kịp thời cả về vật chất lẫn tinh thần cho hai cháu. Tuy nhiên, hoàn cảnh của hai cháu quá thương tâm, rồi mai đây tương lai các cháu sẽ đi về đâu, đặc biệt là cháu Nguyệt, còn quá non nớt mà đường đời còn rất thênh thang phía trước.
* Độc giả gửi bài dự thi tại đây.
Cuộc thi "Viết nên điều kỳ diệu" do Báo điện tử VnExpress phối hợp với nhãn hàng Hura Deli - Công ty cổ phần Bibica tổ chức dành cho các công dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Các nhân vật được miêu tả trong bài viết có cơ hội được lựa chọn trở thành nhân vật Thụ hưởng trong Gameshow “Vì bạn xứng đáng” phát sóng trên kênh truyền hình VTV3. |
Nguyễn Kiên Cường