Ngày 30/12, bác sĩ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM, cho biết người thân rất hoảng hốt khi gọi điện, mô tả bé đột nhiên ho, sặc, tím tái và bất tỉnh khi đang ăn.
Điều phối viên 115 trấn an, khai thác thông tin, phát hiện bé có dấu hiệu ngưng tim. Vừa hướng dẫn người nhà ép tim, điều phối viên vừa huy động kíp cấp cứu từ trạm vệ tinh Bệnh viện TP Thủ Đức đến tiếp cận hiện trường.
Trong lúc chờ xe cấp cứu đến, người nhà vẫn được điều phối viên hướng dẫn ép ngực liên tục qua ứng dụng gọi video. Sau khoảng 10 phút, khi kíp 115 đến, bé đã có mạch, huyết áp, được chuyển vào bệnh viện cấp cứu. Các bác sĩ chẩn đoán bé hóc dị vật, qua được cơn nguy kịch và tiếp tục theo dõi điều trị.
Theo bác sĩ Long, mỗi tháng trung tâm tiếp nhận khoảng 70 ca bệnh ngưng tim ngoài hiện trường. Từ năm ngoái, nơi này triển khai T-CPR, còn gọi hồi sinh tim phổi qua thiết bị viễn thông, giúp cứu sống kịp thời nhiều người. Nạn nhân được ép ngực ngay lập tức nhằm duy trì tuần hoàn, thực hiện bởi người chứng kiến đầu tiên trước khi kíp cấp cứu chuyên nghiệp đến tiếp tục điều trị.
Hiệp hội tim mạch Mỹ xác định T-CPR là một biện pháp can thiệp quan trọng, liên quan chặt chẽ đến sự sống còn của bệnh nhân ngưng tim ngoài hiện trường. Việc ép ngực được tiến hành trước khi nhân viên cấp cứu đến làm nâng cao khả năng sống sót của bệnh nhân ngưng tim lên gấp hai đến ba lần.
Trung tâm Cấp cứu 115 đang triển khai thực hiện đề án của UBND TP HCM về phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện theo hướng chuyên nghiệp đến năm 2030. Trong đó có việc đầu tư nâng cấp hệ thống tiếp nhận và điều phối cấp cứu, bao gồm triển khai video call và T-CPR. Hệ thống này không chỉ tiếp nhận và điều phối cấp cứu mà còn duy trì kết nối với người bệnh, kịp thời tư vấn, hướng dẫn những việc nên và không nên làm, sơ cứu trong một số trường hợp để nâng cao khả năng thành công.
Lê Phương