Gia đình cho biết vào ngày 3/3, trẻ bị chó con cắn vào tay gây chảy máu, không được đưa đi tiêm phòng. Một tuần sau, con chó có dấu hiệu bị ốm song gia đình cũng không thực hiện thêm các biện pháp phòng ngừa cho bé.
Đến ngày 24/3, người bệnh bắt đầu xuất hiện các triệu chứng bất thường như sốt lúc nóng lúc lạnh, đau họng, ăn uống kém. Gia đình đưa trẻ đến trạm y tế xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm, nơi bác sĩ chẩn đoán trẻ bị viêm amidan cấp, kê thuốc cho về nhà uống. Tuy nhiên, tình trạng bệnh không cải thiện, bé tiếp tục sốt cao, đau họng trầm trọng, gặp khó khăn khi nuốt nước bọt và xuất hiện biểu hiện sợ gió.
Phụ huynh sau đó đưa trẻ đến Trung tâm y tế huyện Pác Nặm, nơi bé được tiêm vaccine phòng dại. Đến ngày 27/3, trẻ nhập viện trong tình trạng nguy kịch tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn. Khi nhập viện, bệnh nhân lên cơn kích động, cào cấu, gào thét, hoảng loạn, kèm các triệu chứng đặc trưng của bệnh dại như sợ nước và sợ gió. Các bác sĩ nghi ngờ bé mắc bệnh dại và cấp cứu nhưng không thành công.
Ngày 28/3, bệnh tiến triển nặng hơn, gia đình xin đưa bé về nhà. Đến chiều cùng ngày, bệnh nhân tử vong.
TS. BS Hoàng Xuân Sơn, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn, cho biết bệnh viện đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để xét nghiệm, đồng thời thực hiện khử khuẩn toàn bộ môi trường nhằm ngăn ngừa nguy cơ lây bệnh. Các bác sĩ cũng đã tư vấn tiêm vaccine phòng dại cho mẹ của bệnh nhân do chị cũng bị chú chó trên cắn. Kết quả xét nghiệm hiện chưa được công bố.
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, khi đã mắc bệnh thì không có thuốc chữa và tỷ lệ tử vong là 100%. Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm trên vết thương hở, cần xối rửa kỹ vết thương trong 15 phút càng sớm càng tốt dưới vòi nước chảy. Sau đó sát khuẩn bằng cồn 45-70 độ hoặc cồn i-ốt để làm giảm thiểu lượng virus dại tại vết cắn. Sau đó, gia đình nên đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại. Tuyệt đối không được điều trị bằng thuốc nam và các phương thuốc dân gian, gia truyền.
Thùy An