Nguyễn Huyền Trang, 13 tuổi, nhà ở Yên Sơn, Tuyên Quang là con gái đầu của vợ chồng chị Nguyễn Thị Hương, dưới Trang còn em trai năm nay học lớp 2. Bố mẹ làm công nhân ở công ty may, ngoài giờ học Trang vẫn thuờng giúp đỡ bà ngoại và chăm sóc em trai. Đang trong tuổi dậy thì, cô bé thường ngại ngùng, ít nói chuyện, tâm sự với bố mẹ.
Ngày 9/5/2021, Trang bị ngất ở trường khi đang thi học kỳ, bố mẹ liền vội vàng đón về nhà. Ban đầu họ nghĩ con gái đến tuổi dậy thì, lại vừa có kinh nguyệt, chuyện đau bụng và ngất vì mất máu là bình thường, nên không đi khám.
"Nhưng tối đó mình thấy con ra kinh nguyệt nhiều, chạy đi mua thuốc cầm máu cho con uống nhưng vẫn không đỡ; sáng hôm sau đưa con ra trạm y tế nhưng tình trạng không được cải thiện, thậm chí còn ngất lần nữa nên gia đình vội vàng đưa đến bệnh viện tư cấp cứu. Tại đây các bác sĩ chẩn đoán con bị suy tuỷ, nhưng cần đưa lên tuyến trên để làm xét nghiệm", chị Hương kể.
Hai ngày sau, vợ chồng chị Hương đưa con tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, kết quả sinh thiết cho thấy cô bé bị ung thư máu. Việc con gái mắc bệnh hiểm nghèo, tình trạng sức khoẻ chuyển xấu trở thành cú sốc lớn cho cả gia đình, còn chị Hương gần như ngã quỵ.
Nhớ lại trước đây, thỉnh thoảng chị thấy trên chân con xuất hiện vài vết bầm nhưng nghĩ trẻ con hiếu động, va chạm ở trường nên chỉ nhắc nhở con cần chú ý hơn. Giờ nghĩ đến chị lại tự trách "biết thế mình nên tinh ý hơn để đưa con đi khám. Cũng chỉ vì cố gắng đi làm mong cho con có cuộc sống tốt hơn, vậy mà...".
Ngày 12/5, Trang được bố mẹ đưa xuống Bệnh viện Huyết học truyền máu Trung ương (Hà Nội) để điều trị. Thời điểm đầu nhập viện, cô bé hay hỏi mẹ 'Mẹ ơi con bị bệnh gì mà phải vào viện thế?', 'Sao các bạn trong phòng lại không có tóc?', 'Con bị bệnh nặng lắm hả mẹ?'... Sợ con gái suy nghĩ, vợ chồng chị Hương lắc đầu, chỉ biết động viên con.
Từ ngày nhập viện, Huyền Trang đã trải qua 4 đợt điều trị và truyền hoá chất, giữa mỗi đợt em đều được về quê để nghỉ ngơi, đến hẹn lại xuống. Do tình hình Covid-19 có diễn biến phức tạp, lần nào nhập viện hai mẹ con cũng phải xét nghiệm Covid-19 bằng kỹ thuật Realtime RT - PCR.
Hồi cuối tháng 7, khi vừa về nhà được hai ngày, Trang đột nhiên lên cơn sốt cao hơn 40 độ, gia đình phải đưa xuống bệnh viện tỉnh để cấp cứu nhưng tình hình không khả quan, buộc phải gọi xe cấp cứu chuyển xuống Hà Nội. Quá trình truyền hoá chất lần ba khiến cô bé bị tràn dịch màng phổi, viêm phổi, đau dạ dày, buộc phải điều trị 17 ngày đến khi các triệu chứng dần thuyên giảm mới tiếp tục truyền.
Ở lâu trong viện, nghe mọi người nói chuyện cô bé 13 tuổi dần hiểu về căn bệnh bản thân mắc phải. Em biết mình bị ung thư máu, căn bệnh phải điều trị rất dài, tốn nhiều tiền, thậm chí có thể qua đời bất cứ lúc nào.
"Nhiều đêm con bé nằm trên giường bệnh mà khóc ướt hết gối. Nhưng mỗi khi tôi hỏi con lại nói 'con không sao đâu, mẹ đừng lo’. Lúc nào con cũng sợ mẹ buồn, lo nghĩ nên không nói, nhưng con biết hết", chị Hương nghẹn lời.
"Mẹ ơi ở đây một ngày hết bao nhiêu tiền, có đắt không mẹ?"
Thi thoảng Trang lại hỏi mẹ về tiền viện phí và các chi phí sinh hoạt vì biết hoàn cảnh gia đình khó khăn. Đối diện với câu hỏi của con, chị Hương chỉ đáp "Không tốn mấy, chỉ cần con khoẻ là được".
Vợ chồng chị làm công nhân tại công ty may, mỗi tháng được trả 5 triệu đồng, nhưng từ khi con gái nhập viện, cả hai phải nghỉ làm để đưa con đi điều trị. Đến tháng 7 năm nay khi bệnh viện chỉ cho một người ở lại chăm sóc, chồng chị về quê đi làm, còn chị ở viện với con.
Theo lời chị, hai đợt hoá trị đầu tiền viện phí chỉ được chi trả 80% nên tốn nhiều. Gần 90 triệu đồng tiền vợ chồng tiết kiệm nhiều năm cũng tiêu hết. Sau có vay họ hàng thêm 80 triệu đồng từ họ hàng, anh chị em. Viện phí mấy đợt cũng hơn 100 triệu đồng, nhưng đến nay vẫn chưa thể trả.
May mắn từ đợt hoá trị thứ ba được bảo hiểm chi trả 100%, còn nhưng tiền ăn uống, tã bỉm, thuốc thang bên ngoài khiến mức lương 5 triệu đồng/ tháng của chồng không đủ. Đợt tới bác sĩ thông báo cần mua thêm 15 triệu tiền hoá chất cho đợt mới, vợ chồng chị cũng đang tính toán vay mượn thêm.
Đưa con vào viện điều trị, người phụ nữ không ít lần chứng kiến các bệnh nhi bị "trả về nhà" vì hết hy vọng. Rồi những lần nhìn con sốt miên man, co giật liên tục khiến chị lo lắng, rùng mình vì sợ con gái sẽ bỏ mình mà đi.
"Giờ có phải bán nhà đi mà cứu sống được con, cả gia đình đi ở nhờ cũng không sao. Nhưng bệnh tình của cháu cũng nặng, giờ gia đình tôi cũng chỉ biết dốc sức để cứu con", người phụ nữ tâm sự.
Tình cờ biết đến cuộc thi "Vì một Việt Nam tất thắng", biết con gái thích vẽ, chị Hương hỏi con gái có muốn tham gia hay không, nghe mẹ nói cô bé hào hứng tham gia. Tranh thủ thời gian được về quê nghỉ ngơi cô bé bắt đầu vẽ và gửi rất nhiều bức thư đến đội ngũ các y bác sĩ, các cán bộ chiến sĩ đang gồng mình chống dịch như một niềm vui mới và quên đi bệnh tật.
"Có những hôm con ham đến mức vẽ đến hơn 11h đêm vẫn chưa ngủ. Tôi vẫn nhắc con đi ngủ sớm nhưng con nói sẽ tranh thủ vẽ thật nhiều tranh khi còn ở nhà, vì sợ vào bệnh viện phải gắn kim tiêm vào tay, khó vẽ. Thấy con vui và quên đi bệnh tật, tôi cũng chiều theo ý con", chị Hương nhớ lại.
Chuẩn bị bước vào đợt truyền hoá chất mới, chị Hương chỉ mong con gái có thể kiên trì vượt qua, để có mau chóng về với gia đình và được đi học trở lại như em mơ ước.
Còn về phần Huyền Trang, từ ngày xuống Hà Nội điều trị em hay nói với mẹ: "Khi nào con khỏi bệnh mẹ đưa con đi học nhé. Con phải nhanh đến trường nếu không sẽ không theo kịp chương trình, không được lên lớp như các bạn. Rồi con còn phải về nhà với bà và em trai nữa...".
"Vì một Việt Nam tất thắng" là cuộc thi vẽ tranh và sáng tác văn học dành cho các bệnh nhi ung thư, bệnh hiểm nghèo, chất độc da cam, tàn tật, tự kỷ và trẻ mồ côi. Cuộc thi do Chương trình Mặt trời Hy Vọng (tiền thân là Ông Mặt Trời), Quỹ Hy vọng cùng trường Đại học Ngoại thương, Trang tin tức giới trẻ iOne.net đồng tổ chức; VTV Digital và báo VnExpress bảo trợ truyền thông. Ban tổ chức nhận bài dự thi từ 8/8 đến 10/9/2021. Chi tiết xem tại: https://ione.net/viet-nam-tat-thang |
Thúy Quỳnh