Ngày 22/12, đại diện Bệnh viện Bãi Cháy cho biết bệnh nhi không nuốt nghẹn, không gầy sút cân hay run tay chân. Khi khám, xét nghiệm chuyên sâu, bác sĩ phát hiện hình ảnh nhân thùy phải tuyến giáp (TIRADS 4), nang hai thùy tuyến giáp (TIRADS 3), hạch bất thường vùng cổ hai bên. Kết quả giải phẫu bệnh xác định ung thư tuyến giáp thể nhú.
Phẫu thuật viên phẫu tích bộc lộ tuyến giáp thấy khối u dài 2 cm xâm lấn cơ, hạch thành khối lớn. Bệnh nhi được cắt toàn bộ tuyến giáp, vét hạch máng cảnh hai bên, bảo tồn tuyến cận giáp, khí quản, thần kinh thanh quản.
Sau 3 ngày, bệnh nhi phục hồi sức khỏe tốt, không bị khàn tiếng. Hậu phẫu, trẻ được điều trị thêm với iod phóng xạ để ngăn chặn ung thư tái phát.
Bác sĩ Doãn Chiến Thắng, khoa Ung bướu 2, cho biết ung thư tuyến giáp thường gặp sau tuổi 30, phụ nữ có nguy cơ mắc cao gấp 2-3 lần nam giới. Những năm gần đây, bệnh có xu hướng trẻ hóa, nhiều trường hợp dưới 20 tuổi. Tuy nhiên, ca bệnh ở 12-13 tuổi rất hiếm gặp.
Ung thư tuyến giáp thể nhú chiếm 70-80% các ca, tiến triển chậm, có thể di căn hạch cổ, phổi hoặc xương. Giai đoạn đầu thường không có triệu chứng rõ ràng, xét nghiệm hormone tuyến giáp vẫn bình thường. Bệnh nhân thường phát hiện qua sờ thấy khối u ở cổ hoặc siêu âm định kỳ. Giai đoạn muộn, khối u xâm lấn có thể gây nói khàn, khó nuốt, khó thở do chèn ép dây thần kinh, thực quản hoặc khí quản.
Yếu tố nguy cơ bao gồm bướu cổ, viêm tuyến giáp, tiền sử gia đình, tiếp xúc bức xạ và béo phì. Tiên lượng điều trị rất tốt, 90% bệnh nhân sống khỏe sau 5 năm, nhiều trường hợp chữa khỏi hoàn toàn.
Phẫu thuật ung thư tuyến giáp có thể gặp biến chứng như liệt dây thanh âm, suy tuyến cận giáp, chảy máu, xẹp khí quản. Ở trẻ nhỏ, phẫu thuật đòi hỏi bác sĩ giàu kinh nghiệm, thao tác tỉ mỉ để tránh tổn thương thần kinh và tuyến cận giáp.
Các bác sĩ khuyến cáo nên kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt siêu âm tuyến giáp 6 tháng/lần. Gia đình có người mắc bệnh cần tầm soát và thăm khám thường xuyên cho trẻ.
Thúy Quỳnh