Tôi đã xấp xỉ 40 tuổi, độ tuổi này, đại đa số đã ổn định nhà cửa, công việc, đã tích lũy được một số tiền tiết kiệm. Thậm chí, một số người đã có khối lượng tài sản có thể nghỉ hưu sớm. Còn tôi vẫn ở nhà trọ, vẫn làm thuê và đặc biệt nguy hiểm hơn cả là tôi chưa có một đồng nào cả để dành phòng ngừa rủi ro. Nguyên nhân do đâu? Tôi lười biếng, ốm đau liên miên, gánh nặng gia đình đôi bên hay tôi liên quan cá độ, lô đề, cờ bạc?
Không! - Những lý do trên không liên quan chút nào đến tình trạng tồi tệ của tôi hiện tại. Lý do duy nhất là tôi không biết cách quản lý tiền bạc, không có kiến thức về tài chính. Tôi đã từng đi nước ngoài, đã từng là một bà chủ của một xưởng sản xuất, trong tay có gần 30 công nhân nhưng hiện tại thì tôi vẫn hai bàn tay trắng. Sai lầm này luôn luôn thôi thúc tôi làm sao để con tôi có thể hiểu về tài chính sớm nhất có thể.
Con tôi năm nay 6 tuổi, để giúp con hình thành khái niệm kiếm tiền thì những việc như đánh vần, viết chữ, giúp bố nhổ tóc, đấm lưng hay nhặt rau hay đơn giản là ăn cơm không vãi... nếu con làm tốt, tôi đều thưởng con 1.000 đồng cho vào heo tiết kiệm. Điều này đã làm con tiến bộ rất nhiều. Và thay vì con nói "con đi học" hoặc "con đi làm việc đây"; con sẽ nói "con đi kiếm tiền đây". Tôi thấy trong con có một sự hứng thú đến lạ. Cũng từ sự hứng thú này tôi cùng cháu hình thành lên thói quen tiết kiệm.
Giống như những bạn nhỏ khác, đôi khi con hay bỏ thừa đồ ăn, hay xả nước tự do để nghịch hay quên tắt quạt... Tôi cho con xem những video trẻ em vùng cao nghèo khó thường bị đói để con thấy được rằng với các bạn nhỏ nơi đây, chỉ cần được ăn no đã là một niềm hạnh phúc. Ngoài ra tôi còn giúp cháu hiểu thêm về sự khó khăn, vất vả khi kiếm được một khoản tiền gọi là lương. Thi thoảng, tôi cho cháu đến công trường - nơi mà bố cháu phải phơi nắng, mưa cả ngày để phần nào cảm nhận được giá trị của đồng tiền. Nó phải đánh đổi bằng mồ hôi công sức từ đó hình thành ý thức tiết kiệm.
Tôi cho con xem hóa đơn điện nước và cùng con sắp tiền trả cho chủ trọ. Mỗi lần như vậy con đều nói: "Thế này thì nhà mình hết tiền mất mẹ ơi!". Rồi những lần đi viện cũng là cơ hội để tôi giải thích cho con: Tại sao phải tiết kiệm?
Kiếm tiền, tiết kiệm quan trọng nhưng tiêu tiền thế nào cũng quan trọng không kém.
Với lứa tuổi của con thì chưa thể hiểu nhiều về tiêu tiền nhưng tôi vẫn cho con cùng tham gia trong các buổi đi chợ cùng nói lên kế hoạch sẽ mua những gì và hết bao nhiêu tiền, giải đáp thắc mắc của con về những con số ghi trên biển giá sản phẩm. Và vì sao phải lựa chọn chi tiêu hợp lý.
Tôi có hứa mua cho con bộ đồ chơi xếp gỗ. Nhưng dịch bùng phát tôi phải cắt giảm chi tiêu nên hoãn lại. Điều này bắt buộc tôi phải đưa ra câu trả lời cho con, tôi đã giải thích cho con hiểu để tiền chi cho việc cần và cấp bách trước. Việc cũng cần nhưng chưa cấp bách chi sau. Thật bất ngờ thay vì chờ thêm thời gian mẹ mua cho con lại tự sáng tạo, con thu nhặt một số nắp trai nhựa về tự xếp hình, dần dần con đã tích được số lượng nắp đủ nhiều để có thể sắp những hình con thích.
Tôi cũng như bao bà mẹ khác không muốn con mình lớn lên trở thành người ích kỷ. Việc chia sẻ cảm thông và tự cho đi của mỗi người đều không thể giống nhau. Việc của con lúc này cũng rất đơn giản và nhỏ bé. Chỉ là cho đi cái bánh con đang có với những người bạn nhỏ nghèo khó mà con quen biết hay vô tình gặp gỡ trên đường. Khi thì 5.000, 7.000 đồng với những người khó khăn mà hai mẹ con gặp trên đường.
Tuy nhiên để con hiểu về tài chính không thể một sớm một chiều, nhưng tôi sẽ cố gắng áp dụng, thay đổi theo từng độ tuổi của con, mong muốn cho con những kiến thức cơ bản về tài chính. Để con sẽ không mắc lại những lỗi mà tôi đã từng gặp về tài chính.
Phạm Thị Xuyến
Prudential và VnExpress phối hợp tổ chức cuộc thi "Cha-Ching - Bé giỏi tiền hay" từ ngày 9/6 đến 21/7. Cuộc thi không chỉ giúp cha mẹ và con cái cùng nhau học thêm cách quản lý tiền mà còn là một cơ hội giúp cả nhà gắn kết hơn cũng như nhận phần thưởng bằng tiền mặt hkấp dẫn. Trong đó, cơ cấu giải thưởng bao gồm: một giải Nhất trị giá 10 triệu đồng; hai giải Nhì, mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 5 giải Ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng; 5 giải Yêu thích thông qua bình chọn của độc giả, mỗi giải trị giá 3 triệu đồng. Ngoài ra, 20 bài dự thi có chất lượng tốt nhất được chọn vào chung khảo sẽ nhận 500.000 đồng và một con heo đất của Prudential.
Xem chi tiết thể lê cuộc thi tại đây.
Gửi bài dự thi tại đây