"Con buồn tè quá không chịu được, cô không biết con đái dầm vì con mặc quần dày, nhưng con thấy ngứa", cô bé giải thích khi mẹ hỏi lý do ướt quần. Mắng cho con một trận vì "không biết xấu hổ, lớn tướng còn như thế", chị Xuân lại có chút lo lắng.
Từ khi được 2 tuổi rưỡi, con chị đã không còn tè dầm nữa. Mỗi lần muốn đi tiểu, bé nói với mẹ, với cô giáo hoặc tự ngồi bô. Thời gian gần đây, tự dưng con gái chị thỉnh thoảng lại tè dầm, lần thì ở lớp, lúc vào ban đêm tại nhà, có khi bị mẹ mắng trong bữa cơm... Sau mỗi lần như vậy cô bé thường tỏ ra rất xấu hổ. Muốn con bỏ "thói xấu" này, vợ chồng chị Xuân ra sức chê bai và dọa sẽ đến lớp kể cho các bạn và cô giáo nghe, khiến con gái càng sợ hãi. Tình trạng tè dầm ngày càng tăng lên.
Bé Minh Đức (Chương Mỹ, Hà Nội) gần nửa năm nay hay đái dầm vào ban đêm đã chủ động tiêu tiểu từ lúc 4 tuổi. Bố mẹ bé đã đưa con đi làm nhiều xét nghiệm và thăm khám lâm sàng nhưng không phát hiện được nguyên nhân. Mãi đến khi bác sĩ tâm lý hỏi han kỹ mới phát hiện gần đây cậu bé thường xuyên căng thẳng, lo âu do hay bị cô giáo và bố mẹ mắng vì điểm kém. Đức vốn là cậu bé thông minh và luôn đạt điểm tốt từ lúc bắt đầu đi học.
Bác sĩ Thành Ngọc Minh, Trưởng khoa Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, có hai loại đái dầm ở trẻ: Đái dầm tiền phát diễn ra từ nhỏ, tiếp tục kéo dài đến sau 5 tuổi không hết. Thứ hai là những trường hợp trẻ đã hết đái dầm, có giai đoạn khô ráo khá lâu (từ 3 tuổi) nhưng vài năm sau (5-7 tuổi) mắc trở lại, gọi là đái dầm thứ phát.
Bác sĩ Minh cho hay, những trường hợp này thường phải hướng dẫn khám toàn diện, làm xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu... cho trẻ để loại trừ các nguyên nhân thực tổn như nhiễm trùng đường tiểu, bệnh lý bàng quang...
Theo đó, các bé bị đái dầm thứ phát nhiều khi là do các vấn đề tâm lý. Như trường hợp con gái của chị Xuân, người mẹ giật mình lúc bác sĩ hỏi "có phải chị mới sinh bé không?". Thực tế, chị Xuân mới sinh con trai được nửa tuổi. Bác sĩ cho rằng, có thể khi có em, cả gia đình dành sự quan tâm, chăm sóc cho bé, vô tình khiến cô con gái lớn cảm thấy ít được chú ý, lo sợ bị bỏ rơi... Điều này khiến em sinh tật tè dầm.
Cho đến nay người ta vẫn chưa tìm ra nguyên nhân vì sao khi trẻ stress, lo âu lại sinh ra đái dầm. Đó như một cách để giải tỏa, tương tự như một số bé có cơn cáu giận bùng phát hay tự dưng trở nên hung hăng, hay khóc...
Vì thế, theo bác sĩ Thành, khi con bỗng dưng hay tiểu dầm trở lại, bố mẹ cần chú ý tìm hiểu xem thời gian gần đó có chuyện gì ảnh hưởng tới tâm lý con hay không. Với trường hợp chị Xuân, sau khi áp dụng lời khuyên của bác sĩ là quan tâm đến con nhiều hơn, kéo cháu lại những hoạt động gần gũi với em, cùng mẹ chăm em... tình trạng đã được cải thiện.
Theo các bác sĩ, khi con tè dầm, phụ huynh không nên trách mắng, chê bai trẻ. Thực tế, đây không phải là lỗi của bé. Bản thân các cháu lớn thường đã biết xấu hổ và mặc cảm khi tình trạng này xảy ra. Nếu bị bố mẹ chế giễu, thậm chí dọa dẫm sẽ kể cho mọi người xung quanh biết, trẻ càng lo lắng, căng thẳng, mất tự tin, và vòng luẩn quẩn lại tiếp tục.
Thay vì làm vậy, bố mẹ nên động viên con, bày tỏ sự cảm thông, tạo cho con cảm giác được tôn trọng, yêu thương. Nên khuyến khích khen thưởng khi con có tiến bộ sau mỗi ngày, mỗi tuần.
Ngoài ra, nếu bé hay tè dầm vào ban đêm, có thể thực hiện thêm một số biện pháp như: Hạn chế cho trẻ uống nước vào buổi tối; cho con đi tiểu trước khi lên giường ngủ; đánh thức trẻ dậy đi tiểu vào ban đêm với khoảng thời gian lùi dần về sáng... Nếu thời tiết không quá lạnh và trẻ đã lớn, bố mẹ có thể yêu cầu con tự dọn vệ sinh, thay ga giường, chiếu khi bị đái dầm với thái độ nhẹ nhàng, mềm mỏng.