Các nhà nghiên cứu phát hiện bè đá bọt có nguồn gốc từ một núi lửa dưới nước phun trào gần đảo Vava'u của Tonga vào tháng 8/2019. Những hòn đá bọt thu hút nhiều tổ chức sinh vật biển bám vào dọc theo hành trình, có thể trở thành nguồn dưỡng chất cho rạn san hô Great Barrier.
Lúc đầu, hai người Australia đi du thuyền trên Thái Bình Dương trông thấy bè đá bọt đồ sộ không lâu sau khi nó hình thành. Vật thể có diện tích 155 km2, lớn hơn nhiều so với thủ đô Paris của Pháp (105,4 km2) và một số chỗ dày tới 15 cm. Các nhà khoa học theo dõi hành trình của nó và đặt tên cho ngọn núi lửa dưới nước là núi lửa F. Những cột khói ngùn ngụt chứa hơi nước và tro bụi phát ra từ núi lửa F được vệ tinh ghi lại cùng thời điểm bè đá bọt xuất hiện.
Đá bọt ra đời khi dung nham phun trào từ núi lửa và rơi xuống mặt biển, nơi nó lạnh đi đột ngột. Bọt khí sủi lên qua magma khiến nó có cấu trúc nhẹ và rỗng. Một số viên đá bọt lập tức chìm xuống đáy biển nhưng những viên khác tiếp tục trôi nổi giữa biển trong nhiều tháng hoặc nhiều năm.
Đá bọt từ núi lửa F bắt đầu dạt vào bờ biển từ tháng 4/2020, trải rộng khắp vùng ven biển từ thành phố Townsville ở Queensland tới miền bắc New South Wales. Hiện nay, gần như toàn bộ bè đá đã hoàn thành hành trình 3.050 km. Đây là tin tốt với sinh vật biển. Do đá bọt mang theo nhiều động thực vật phù du, nó có thể giúp phục hồi hệ thống rạn đá san hô lớn nhất thế giới.
"Chỉ riêng bè đá bọt không thể giúp giảm thiểu ngay lập tức tác động của biến đổi khí hậu lên rạn san hô Great Barrier", Scott Bryan, nhà địa chất học ở Đại học Công nghệ Queensland, cho biết. "Đây sẽ là khởi đầu mới cho những cây san hô mới và nhiều tổ chức sinh vật khác sinh sống trên rạn đá. Nó gần như một liều vitamin dành cho rạn san hô Great Barrier".
Bryan đang thu thập mẫu vật từ bè đá để tìm hiểu nhiều hơn về các đặc điểm của nó. Tính đến nay, hơn 100 loài khác nhau đã được nhận dạng ở mẫu đá bọt. Năm nay, Bryan cũng tham gia đoàn nghiên cứu quốc tế sử dụng robot dưới nước để thu gom mẫu vật từ núi lửa F. Ông dự đoán trong vài năm tới, núi lửa F sẽ biến đổi thành một hòn đảo.
An Khang (Theo Science Alert)