6h sáng mỗi ngày, khi tàu thuyền đánh cá của ngư dân trên vịnh Lan Hạ, xã Việt Hải, huyện Cát Hải, về bến thì ông Phạm Văn Thìn, 47 tuổi, cán bộ Trung tâm quốc gia giống hải sản miền Bắc, ra nhận thức ăn cho đàn cá quý đang bảo tồn, lưu giữ ở bè nổi nằm giữa cửa Tùng trên vịnh Lan Hạ.
Ông Thìn cùng hai đồng nghiệp đi băng băng trên những cây gỗ bề ngang chỉ 20 cm, hai tay xách hai xô cá đầy, nặng hàng chục kg. "Ngày nào chúng tôi cũng được tập tạ nhờ công việc này. Bắp tay to như bắp chuối", ông Thìn cười nói. Tới tấm phản rộng chừng 20 m2, ông Thìn đổ cá ra, toàn loại nhỏ bằng ngón tay. Sau đó, ông mới phân loại và lại chuyển tới từng lồng cho cá ăn.
Gắn bó với bè cá trên vịnh Lan Hạ nhiều năm, ông Thìn hiểu rõ tập tính của từng loài. Hiện bè lưu giữ 16 loài cá, trong đó có 8 loài cá song (song chấm nâu, song dẹt, song chuột, song hổ, song vua, song lai, song chanh, song da báo), cá giò (bớp biển), cá hồng mỹ, cá chim vây vàng, chim vây dài, cá nhụ 4 râu, cá hồng vân bạc, cá rô biển và đặc biệt là đàn cá hồng vằn đã đến độ tuổi cho sinh sản.
Đàn cá bố mẹ ít nhất 5 tuổi, có con cá song vua nặng hơn 100 kg. "Con song vua này là minh chứng lịch sử của bè vì con giống được mang về từ Indonesia với thời gian lưu giữ trước cả khi trung tâm được thành lập. Hàng ngày, nó nằm im dưới đáy, chỉ khi được cho ăn mới chầm chậm ngoi lên", ông Thìn kể.
Theo ông Cao Văn Hạnh, Giám đốc Trung tâm quốc gia giống hải sản miền Bắc, đầu những năm 2000, dù có nguồn hải sản tự nhiên phong phú, người dân ven biển miền Bắc nói riêng và cả nước nói chung vẫn phải phụ thuộc nguồn giống nuôi nhập từ nước ngoài. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quyết định thành lập các trung tâm quốc gia với mục đích nghiên cứu, bảo tồn và nhân giống cá biển quý, có giá trị kinh tế cao để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Quần đảo Cát Bà, huyện Cát Hải, được lựa chọn để đặt trụ sở trung tâm. Trong đó, 21,8 ha tại xã Xuân Đám dành xây dựng phòng thí nghiệm, nhà xưởng và ao sản xuất giống. Bè cá bố mẹ ban đầu đặt ở khu vực cảng Cái Bèo, cách điểm ngày nay 10 km. Tuy nhiên, chất lượng nước ngày càng kém nên đến năm 2003 trung kéo bè ra giữa vịnh Lan Hạ, nơi môi trường tốt hơn cho việc bảo tồn, lưu giữ đàn giống gốc. Đến nay, khu bè nổi hiện có 128 ô lồng, mỗi ô rộng 27 m2.
Đưa bè ra vịnh, cá sướng nhưng người chăm lại khổ. Do ở xa bờ, chi phí đi lại, ăn uống của người trên bè cũng đội lên nhiều lần. Cán bộ phụ trách bè phải tiết kiệm bằng cách tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên đánh bắt được trên biển.
Là bè lớn nên khi bão không thể kéo vào nơi tránh trú. Thay vào đó, trung tâm phải huy động người dùng dây chằng chống thật kỹ càng. "Năm 2012, hai chiếc tàu cá vào trú bão bị gió to, sóng lớn đánh suýt đâm vào bè. May sao tàu chỉ mắc dây neo rồi dừng lại cách bè vài chục mét. Hơn 20 năm tồn tại, bè cá chưa bị vỡ, chìm lần nào", ông Thìn kể.
Mỗi loài cá có khoảng 100-200 con bố mẹ tùy từng loài. Để có nguồn gen đa dạng, cán bộ trung tâm đi khắp cả nước để thu thập cá bố mẹ, thậm chí nhập khẩu nước ngoài. Ở trong nước, họ đặt hàng ngư dân, nếu đánh bắt được loài cá nào hiếm, chất lượng, thường bán được giá thì để lại cho trung tâm giá cao hơn bán ở bên ngoài.
Riêng loại cá chim, trung tâm chọn cá bố mẹ ở bốn vùng biển trong nước rồi cho ghép đôi chéo nhau để tìm ra cặp bố mẹ ưng ý nhất cho nhân giống đại trà. Cá mới sẽ được mang về nuôi thử nghiệm để phục vụ nghiên cứu. Sau thời gian bảo tồn, lưu giữ và chọn lọc, đến tuổi sinh sản, đàn cá bố mẹ sẽ được chuyển sang giai đoạn nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo.
Trong 16 loài cá ở trung tâm, hồng vằn hiếm nhất, chất lượng thịt thơm ngon, nhu cầu người nuôi rất lớn. Đàn hồng vằn có hơn 100 con bố mẹ, nặng 4-6 kg/con. "Đây là đàn cá bố mẹ duy nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm này", ông Hạnh tự hào nói.
Đầu năm 2022, cán bộ trung tâm nghe ngư dân kể ông Mười ở TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, đang có một đàn hồng vằn nên vội chạy ra mua. "Đang có dịch Covid-19 nên cá đánh bắt không bán được, ông Mười giữ lại nuôi. Lúc chúng tôi ra thì còn 50 con. Anh em mừng quá, mua hết ngay, mỗi con 1,5 triệu đồng. Sau đó, trung tâm còn mua gom từ nhiều nguồn khác để có đàn hồng vằn như ngày nay", ông Thìn, người trực tiếp đi mua cá, chia sẻ.
Đàn cá bố mẹ sau khi được 5-6 tuổi là có thể sinh sản, sẽ được bắn PIT tag (loại dấu điện tử mang mã định danh, có thiết bị đọc) để phục vụ công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc. Cán bộ trung tâm sẽ chọn lọc từng con để cho ghép cặp.
Mùa sinh sản của cá từ tháng 4 đến 7 hàng năm, có loài muộn hơn. Có loài cá song tính, lúc là con cái, lúc là con đực hoặc trong cả quần đàn toàn cá cái. Để chủ động cho việc bảo tồn và nhân giống, cán bộ nghiên cứu sẽ chọn một số cá thể rồi sử dụng hormone chuyển đổi giới tính cho nó.
Trứng cá sau đó được đưa về cơ sở nghiên cứu của trung tâm tại xã Xuân Đám chăm sóc. Đối với những giống như chim vây vàng, khi cá giống được khoảng 2 tháng tuổi thì phải đánh dấu. "Chúng tôi sẽ bắn một miếng thép nhỏ vào thân cá để theo dõi. Mỗi phép lai có một điểm bắn khác nhau. Khi đưa qua máy soi, dựa vào vị trí bắn miếng thép để biết cá từ phép lai nào", anh Đỗ Xuân Hải, cán bộ phụ trách đánh dấu cá, cho hay.
Việc đánh dấu cá đều thực hiện bằng phương pháp thủ công, đòi hỏi người thực hiện kiên nhẫn, tỉ mỉ, đúng kỹ thuật. Cán bộ trung tâm phải ngồi một chỗ nhiều giờ với sự tập trung cao độ. "Sơ sểnh là có thể bắn chết cá. Nhiều ngày khi làm xong chúng tôi không đứng lên được vì lưng cứng đơ", anh Hải kể.
Sau khi đánh dấu, cá giống sẽ được nuôi chung để đánh giá về tốc độ sinh trưởng và tỷ lệ sống, từ đó sẽ có được bộ số liệu làm cơ sở lựa chọn đàn cá giống. Đến nay, đã có 12 loài cá được trung tâm sản xuất giống với quy mô thương mại, cung cấp cho người dân. Trong đó, cá song chấm nâu và cá hồng mỹ có thể cung cấp 2 triệu con giống/năm, chim vây vàng một triệu con/năm.
Lê Tân