Trước đó, bé bị bỏng nước sôi vùng mông, lưng nhưng không đi viện. Gia đình nghe người ngoài mua thuốc nam không rõ nguồn gốc, màu đen bôi lên vết bỏng. Đến tối, trẻ đau rát, vùng bị bỏng tấy đỏ, sưng to nên bố mẹ đưa vào Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cấp cứu, ngày 9/11
Theo bác sĩ, các trường hợp bỏng như của bệnh nhi cần được bù dịch, cắt lọc phỏng nước và băng kín. Tuy nhiên, gia đình lại dùng thuốc không rõ nguồn gốc, thoa lên vết bỏng, khiến vết thương nhiễm trùng nặng, sắp hoại tử.
Bệnh nhân đang được theo dõi tích cực, lâu dài do tổn thương bỏng nặng nề, nguy cơ để lại sẹo lớn.
Bác sĩ khuyến cáo, bỏng do nước sôi thường gây tổn thương rất nặng, đau đớn và mất nhiều thời gian lành thương. Cách xử trí là nhanh chóng ngâm vùng bị bỏng vào nước, càng sớm càng tốt, trong 30 phút sau tai nạn. Sau khoảng thời gian trên, việc ngâm rửa ít có tác dụng.
Lưu ý, nước ngâm phải là nước đun sôi để nguội, nước máy, nước mưa, nước giếng khoan, nhiệt độ tiêu chuẩn 16-20 độ C. Tuyệt đối không dùng nước đá bởi sẽ gây nhiễm lạnh cho nạn nhân.
Có thể ngâm rửa phần bị bỏng dưới vòi nước chảy, trong chậu nước mát hoặc đắp thay đổi bằng khăn ướt dội rửa liên tục lên vùng bỏng. Thời gian ngâm rửa thường tới khi hết đau rát, trong khoảng 15-40 phút, chú ý không làm trợt vỡ vòm nốt phỏng.
Sau đó, che phủ vùng bỏng bằng gạc y tế, khăn mặt, khăn tay, vải màn..., băng ép nhẹ, tránh băng quá chặt gây chèn ép vùng bỏng. Không bôi bất cứ loại thuốc hay hóa chất nào lên vết thương.
Cuối cùng, nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Người bị bỏng nặng nên được vận chuyển bằng cáng, ôtô. Trường hợp bỏng kèm chấn thương, gãy xương, cần cố định tạm thời vùng chấn thương và xương bị gãy trước khi vận chuyển. Nếu bỏng kèm theo chấn thương cột sống, phải vận chuyển nạn nhân trên ván cứng, đầu được cố định.
Minh An