Ngày 24/3, bác sĩ Nguyễn Viết Chung, Trưởng khoa Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện E Trung ương, cho biết các triệu chứng bắt đầu xuất hiện khoảng 2-3 tháng trước. Gia đình kể mỗi đêm trẻ chỉ ngủ được ba tiếng, hay trằn trọc. Buổi sáng, bé mệt mỏi, đi học không tập trung, hay buồn bã, thu mình, cáu gắt hoặc phản kháng khi có người khác hỏi han.
Qua khai thác tiền sử, bác sĩ nhận thấy trẻ không bị áp lực học tập, bạn bè hay sang chấn tâm lý trong quá khứ. Tuy nhiên, bố của bệnh nhi cũng bị trầm cảm, đang điều trị bằng thuốc.
"Khả năng cao bệnh nhi mắc trầm cảm có thể do gene di truyền từ gia đình", ông Chung nhận định, thêm rằng đây là một trong số ít những ca bệnh trẻ tuổi bác sĩ tiếp nhận. Thời điểm xuất hiện các triệu chứng có thể là giai đoạn bệnh bộc phát, dù trước đó chưa từng gặp vấn đề sức khỏe hay tâm lý. Hiện, bệnh nhi được kê đơn thuốc kết hợp can thiệp tâm lý.
Một nghiên cứu công bố trên JAMA Nhi khoa năm 2023 cho thấy tỷ lệ trầm cảm ở trẻ em dưới 13 tuổi chiếm khoảng 0,71%. Đây là hiện tượng không phổ biến và cần được chú ý đặc biệt, bởi việc nhận biết và can thiệp sớm sẽ giúp trẻ vượt qua, phát triển lành mạnh trong tương lai, các chuyên gia cho hay.
Rối loạn trầm cảm được kích hoạt bởi nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có yếu tố gene di truyền. Việc nhiều người trong gia đình cùng mắc bệnh có thể xảy ra do một số biến thể gene liên quan đến sự khởi phát của chứng trầm cảm, dù trước đó chưa từng ghi nhận gặp căng thẳng hay các vấn đề tâm lý khác.
Ngoài yếu tố gene, môi trường cũng tác động đến sức khỏe tâm lý trẻ. Nhiều trường hợp khi gia đình có người gặp vấn đề sức khỏe tinh thần, người nhà bị tiếp nhận nguồn năng lượng tiêu cực, luôn trong trạng thái căng thẳng. Thực tế cho thấy người chăm sóc đầu đời là tấm gương soi giúp trẻ học tập hầu hết kỹ năng, cảm xúc, cách thức ứng phó...
"Nếu cha mẹ bị sang chấn tâm lý hay trầm cảm, dù nguyên nhân do đâu, ít nhiều cũng để lại những hệ quả cho thế hệ sau", bác sĩ Chung nói.
Nghiên cứu do giáo sư Jonathan Flint của Đại học Oxford (Anh) cùng nhiều nhà khoa học ở Đại học Virginia Commonwealth (Mỹ) và Trung Quốc thực hiện trên 10.500 phụ nữ Trung Quốc chỉ ra, những người có người thân (ông bà, cha mẹ, anh chị em) từng bị trầm cảm đối mặt nguy cơ cao gấp 3 lần người bình thường.
Các triệu chứng bệnh có thể từ nhẹ đến nặng và kéo dài ít nhất hai tuần, bao gồm cảm thấy buồn hoặc tâm trạng chán nản, mất hứng thú với các hoạt động bạn từng yêu thích, thay đổi cảm giác thèm ăn, gặp vấn đề với giấc ngủ, mệt mỏi hoặc giảm năng lượng, cảm giác tội lỗi hoặc vô dụng, suy nghĩ về cái chết hoặc tự tử.
Trầm cảm do yếu tố di truyền thì không thể phòng tránh. Bác sĩ khuyên phụ huynh nên sát sao, nếu thấy con có các triệu chứng bất thường cần đưa trẻ đi khám ngay để xác định. Bệnh nhân trầm cảm cần được giúp đỡ và can thiệp sớm nhất có thể bởi họ không thể tự vượt qua.
Thúy Quỳnh