Ngày 22/8, bác sĩ Chung Tấn Định, Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa Sản Nhi Sóc Trăng, cho biết khi nhập viện bé khó thở, da ửng đỏ, phù môi, sưng nề, đau dữ dội tại vị trí các vết đốt kèm theo sốc và có nhiều vòi chích của ong dính trên người. Bác sĩ chẩn đoán bé sốc phản vệ độ 2, suy hô hấp, chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc nhi để điều trị
Gia đình cho hay bé cùng người thân đi thăm ruộng thì giẫm phải tổ ong vò vẽ, bị chúng bay ra tấn công. Mọi người đuổi bầy ong và nhanh chóng đưa nạn nhân đi cấp cứu.
Bác sĩ Âu Hữu Đức, tham gia điều trị bệnh nhân, cho biết tình trạng bé khi ấy nặng, nguy cơ tử vong rất cao, điều trị trong thời gian dài với các biến chứng rất nguy hiểm. Các bác sĩ phối hợp nhiều biện pháp điều trị, nỗ lực cứu bệnh nhân.
Đến nay, sau một tháng, bé trai vượt qua giai đoạn nguy hiểm, môi hồng, chi ấm, mạch - tim đều rõ, phổi thông khí đều hai bên, đang tiếp tục được theo dõi.
Ong mật, ong bầu, ong vàng, ong vò vẽ là các loại thường đốt người. Chất độc trong nọc ong gây ra phản ứng dị ứng, sốc phản vệ, làm ngưng kết tiểu cầu và gây tắc mao mạch, tổn thương nhiều cơ quan, về lâu dài dẫn đến suy gan, suy thận, tử vong.
Bác sĩ khuyên người bị ong đốt nổi mề đay, ngứa, khó thở, đau nhiều, chóng mặt, mệt mỏi, phù mặt, tiểu máu... cần đến viện điều trị kịp thời.
An Minh