Trẻ sinh mổ, đủ tháng, cân nặng 3,5 kg tại một bệnh viện tuyến tỉnh. Sau sinh bé tím tái, thở rên, co kéo, rút lõm ngực nặng, lơ mơ. Các bác sĩ hỗ trợ hô hấp thở oxy, cho thở áp lực dương liên tục, dùng kháng sinh rồi chuyển bé từ Đồng Nai lên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố điều trị.
Tại đây, bé được đặt nội khí quản giúp thở. Các bác sĩ phát hiện bệnh nhi mắc đa dị tật tim bẩm sinh phức tạp kèm suy hô hấp nặng, nhiễm trùng sơ sinh.
"Ca phẫu thuật khẩn cấp đã sửa chữa triệt để các bất thường của tim. Tuy nhiên, sau mổ một ngày, tình trạng bệnh nhân xấu dần", bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, nhớ lại.
Bệnh nhi bị trụy tim mạch, tổn thương gan và thận nặng, không có nước tiểu. Tình trạng suy hô hấp ngày càng nguy kịch, trẻ tím tái, độ bão hòa oxy máu SpO2 chỉ còn 60-65%. Trái tim nhỏ quá sức chịu đựng, mức đập co bóp máu chỉ còn 20-25% (bình thường 60-80%). Nhiều loại thuốc vận mạch liều cao đã sử dụng, mọi phương pháp hồi sức tích cực đều không hiệu quả.
Các bác sĩ hội chẩn khẩn, quyết định đặt ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo) tìm cơ hội sống cuối cùng cho bệnh nhi. Hệ thống vận hành trơn tru, cung cấp oxy qua màng ngoài cơ thể, thay thế tim chuyển máu có oxy từ hệ tuần hoàn đến và cung cấp oxy cho mô và các cơ quan trong cơ thể trẻ. Đồng thời, bé còn được gắn kết nối với hệ thống máy lọc máu liên tục để hỗ trợ gan và thận đang tổn thương.
Kết quả sau gần 2 tuần chạy ECMO cùng với các điều trị hỗ trợ tích cực khác, tình trạng suy hô hấp, huyết động trẻ cải thiện dần, không cần dùng thuốc vận mạch. Bé dần cai máy ECMO, cai thở máy. Một tháng sau, trẻ tự hít thở khí trời, tỉnh táo, bú khá, chức năng gan thận trở về bình thường, được ra viện.
Bác sĩ khuyến cáo thai phụ cần đi khám thai đầy đủ, xét nghiệm, siêu âm tầm soát để phát hiện sớm các dị tật ở thai nhi, có biện pháp can thiệp kịp thời.
Trước đó, ECMO cũng đã phát huy tác dụng, cứu sống bé gái gần 3 tuổi sau mổ hở sửa chữa tứ chứng Fallot tim tại Bệnh viện Nhi đồng 1.
Thư Anh