Ngày 18/9, bác sĩ Lâm Đức Hoàng, Trưởng Khoa Xạ 2, Bệnh viện Ung Bướu TP HCM, cho biết bé gái, nay 3 tuổi, được phát hiện ung thư lưỡi từ lúc một tuổi, bác sĩ bệnh viện ở Yên Bái phẫu thuật cắt u. Lúc bé gần hai tuổi, vết mổ cũ xuất hiện sang thương, bệnh viện tại Hà Nội sinh thiết, ghi nhận sarcoma cơ vân thể nang - một loại hiếm gặp của ung thư lưỡi.
Bé được hóa trị 4 chu kỳ, kích thước u thay đổi không đáng kể. Đầu năm nay, bé được phẫu thuật cắt u, hóa trị thêm 5 chu kỳ thuốc rồi chuyển vào Bệnh viện Ung Bướu TP HCM để xạ trị áp sát, do bệnh viện Hà Nội chưa triển khai kỹ thuật này ở bệnh nhi ung thư lưỡi.
Theo bác sĩ Hoàng, xạ trị áp sát còn gọi là xạ trị trong, tia xạ được đưa trực tiếp đến khối u, ít tác dụng phụ hơn so với xạ trị bằng chùm tia bên ngoài thông thường, phù hợp để điều trị các u nhỏ và dễ tiếp cận, phát hiện giai đoạn sớm và chưa xâm lấn cơ quan lân cận cũng như chưa di căn xa.
Xạ trị áp sát ung thư lưỡi được áp dụng cho người lớn nhiều năm nay tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM, khởi đầu với kỹ thuật cắm kim trực tiếp, đơn giản và không đảm bảo an toàn phóng xạ. Hiện nay, kỹ thuật xạ trị tiến bộ, an toàn và hiệu quả hơn, có thể thực hiện xạ trị áp sát đơn thuần hoặc kết hợp với xạ trị ngoài.
Đây là ca xạ trị áp sát đầu tiên áp dụng cho bệnh nhi tại Bệnh viện Ung Bướu TP HCM. Bệnh nhi nhỏ tuổi cần được gây mê để giảm tối đa di động và nằm yên trong suốt quá trình điều trị. Bệnh viện đã mời bác sĩ từ Bệnh viện Nhi đồng 1 sang gây mê cho bệnh nhi.
Các bác sĩ xạ trị mỗi lần khoảng 10-20 phút, hai lần mỗi ngày, cách nhau 6-8 tiếng, liên tục 5 ngày. "Khi xạ trị bệnh nhi được cố định tốt, giúp đảm bảo liều vào các thể tích điều trị và giảm tối đa liều đến các cơ quan lành, tránh các tác dụng phụ cấp tính cũng như lâu dài", bác sĩ phân tích.
Bác sĩ Lương Thị Tường An, Trưởng Khoa Nội 3, cho biết sau xạ trị, lưỡi bé lành tốt, không có tác dụng phụ, đang được hội chẩn chẩn dinh dưỡng để sớm có sự hồi phục sức khỏe tốt nhất.
"Ban đầu mọi người lo ngại bệnh nhi nhỏ tuổi, có thể không hợp tác tốt trong quá trình xạ trị, gây tụt nguồn xạ nhưng bé rất ngoan, hợp tác tốt ngoài mong đợi", bác sĩ An nói.
Các bác sĩ tiên lượng sau điều trị, bé vẫn có cấu trúc lưỡi như bình thường với các chức năng nuốt, nói và vị giác phục hồi trên 80%. Biến chứng gây ra cho bé sau xạ trị rất ít do đây là kỹ thuật xạ trị với bản chất chùm tia khu trú nhất.
Ung thư lưỡi là bệnh thường gặp nhất trong các ung thư hốc miệng, chiếm tỷ lệ 30-40%. Dấu hiệu nhận biết của ung thư lưỡi là xuất hiện vết loét lâu lành ở bờ lưỡi hoặc bụng lưỡi, thường không đau. Vết loét lớn dần, có thể chảy máu khi ăn uống hoặc súc miệng, kèm theo đau nhiều do khối u xâm lấn. Khi có dấu hiệu bất thường, cần đi khám để có thể phát hiện, điều trị sớm các bệnh lý nếu có.
Một số yếu tố nguy cơ gây bệnh là rượu, thuốc lá, nhai trầu, vệ sinh răng miệng kém, có thể liên quan virus HPV. Ung thư lưỡi ở trẻ em rất hiếm gặp, nếu có thường là loại sarcoma hoặc lymphoma, chủ yếu xuất hiện mặt lưng hay bụng lưỡi, thường liên quan đến đột biến gene.
Lê Phương