Chị Đỗ Quỳnh Anh, 28 tuổi, mẹ của Minh Hy (tên ở nhà là Minhee) là một giáo viên tiếng Anh ở Hà Nội. Chị kể, kinh nghiệm làm việc nhiều năm cho thấy ngoại ngữ này ngày càng phổ biến, không được coi là thế mạnh nữa nên dự định cho con học tiếng Anh từ sớm để có nền tảng ngôn ngữ tốt.
Người mẹ tìm hiểu và biết rằng giai đoạn 0-3 tuổi, trẻ sẽ học ngoại ngữ tự nhiên và nhanh nhất, càng lớn việc học sẽ càng khó khăn hơn. Tận dụng lợi thế của mình, từ khi đang mang bầu bé Minhee, chị Quỳnh Anh đã nói chuyện hàng ngày và cho con nghe nhạc bằng tiếng Anh.
![Bé Minhee đi chơi với bố mẹ, tháng 2/2023. Ảnh gia đình cung cấp](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2023/04/20/Minhee-3-1280-1681979819.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=WSD5b0V6KuNSBCDwaKuoRg)
Bé Minhee đi chơi với bố mẹ, tháng 2/2023. Ảnh gia đình cung cấp
Một lần tình cờ xem kênh YouTube "Alex.D music insight" của một ông bố người Việt dạy song ngữ cho hai con từ khi một tuổi, chị Quỳnh Anh bất ngờ và ngưỡng mộ khả năng nói song ngữ Anh - Việt lưu loát của hai bé. Chị quyết định áp dụng phương pháp của anh Alex.
Phương pháp dạy song ngữ này dựa theo quy tắc "One parent - One language", tức bố mẹ mỗi người đảm nhiệm việc giao tiếp với con bằng một ngôn ngữ và phải nhất quán. Lúc Minhee chào đời, chị phân công chồng, anh Nguyễn Hoàng Trung nói chuyện với con bằng tiếng Việt còn mình đảm nhiệm phần tiếng Anh.
Cứ như vậy, Minhee tiếp xúc đồng thời hai ngôn ngữ, bé lắng nghe và hiểu được lời của cả bố mẹ ngay từ khi chưa biết nói.
Nhưng phương pháp này cũng có một chút trục trặc khi anh Trung đi làm cả ngày, chị Quỳnh Anh ở nhà với con nhiều nên giai đoạn đầu mới biết nói, tiếng Anh của Minhee nhỉnh hơn. "Lúc đó, những đồ vật trong nhà như cái bàn, cái ghế, con đều tên gọi bằng tiếng Anh trước", chị Quỳnh Anh nói.
Năm Minhee được hai tuổi, vợ chồng chị quyết định cho con đến lớp mẫu giáo, có cô và các bạn nói tiếng Việt nên hai ngôn ngữ của bé dần cân bằng lại. Lúc này, chị Quỳnh Anh hay đặt các câu hỏi xoay quanh một ngày đi học để kích thích con nói tiếng Anh. Có lần hát xong bài "Một con vịt" được cô dạy ở lớp, Minhee trả lời chính xác các câu hỏi của mẹ như bài hát nói về cái gì, con vịt có mấy cánh, con vịt kêu như thế nào, con mèo kêu như thế nào... bằng tiếng Anh.
"Tôi đặt nhiều câu hỏi về bài hát để xem con có hiểu nội dung hay không, cũng là để tăng khả năng ghi nhớ từ vựng", chị chia sẻ.
Không chỉ qua bài hát mà từ những cuộc trò chuyện, tình huống hàng ngày, bất kỳ đâu cũng được hai vợ chồng tận dụng trở thành lớp học ngôn ngữ cho con gái. Khi cả nhà đi cà phê, chị Quỳnh Anh chỉ vào chiếc cốc và nói với bé: "This is a cup", sau đó anh Trung cũng chỉ lại và nói với con bằng tiếng Việt.
Có những lúc Minhee quên từ hay phát âm chưa đúng, người mẹ sửa ngay và coi đó là chuyện thường gặp. Có khi bé học được từ này lúc trước, lát sau đã quên ngay nhưng bà mẹ kiên nhẫn lặp lại chứ không khó chịu hay cáu gắt.
Ban đầu, ông bà bé không hoàn toàn đồng ý với cách dạy con bằng cả hai thứ tiếng do sợ cháu bị rối loạn ngôn ngữ. Chị Quỳnh Anh cho rằng đây là tâm lý chung khi xung quanh chưa có tấm gương thực tế, ông bà thương cháu nên mới không muốn cháu mình thử nghiệm.
Để tránh điều này, vợ chồng chị tuân theo nguyên tắc đã đặt ra từ đầu. "Những lúc con quên, vô tình nói tiếng Việt với mẹ, tôi không trả lời để bé biết rằng cần phải nói bằng tiếng Anh nếu muốn mẹ hiểu và ngược lại", người mẹ nói.
Có lần, anh Trung bất ngờ khi thấy con thuộc và hát được theo một bài tiếng Anh trên YouTube. Từ đây, anh nhận ra rằng các chương trình TV, bài hát tiếng Anh, kênh giáo dục cho trẻ em cũng là một môi trường tốt để học ngoại ngữ nhưng cần có sự chọn lọc và kiểm soát. Mỗi ngày, Minhee được bố mẹ cho xem 10-15 phút cùng bố hoặc mẹ chứ không bị cấm đoán.
Ông bố nhận xét đây là những kênh hiệu quả để con được "tắm" trong môi trường ngoại ngữ, đặc biệt với các gia đình không có phụ huynh giỏi tiếng Anh.
Giờ đây, Minhee đã giao tiếp được bằng cả hai ngôn ngữ nên ai nói tiếng gì, con sẽ đáp lại bằng tiếng ấy. Nhiều lúc anh Trung cố tình nói tiếng Anh liền bị con nhắc nhở "Bố không nói tiếng Anh".
Ông bà bé cũng bị thuyết phục khi thấy cháu biết tiếng Anh mà vẫn giỏi tiếng Việt, thậm chí hay đi khoe cháu với bạn bè xung quanh.
![Bé Minhee đang làm quen với truyện thiếu nhi, tháng 3/2023. Ảnh gia đình cung cấp](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2023/04/20/Minhee-4-8663-1681979819.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=BeobF8S9eZuO3WZ4bncJ2g)
Bé Minhee đang làm quen với truyện thiếu nhi, tháng 3/2023. Ảnh gia đình cung cấp
Từ khi Minhee được hai tuổi rưỡi, thấy con nói được nhiều câu song ngữ, chị Quỳnh Anh đăng tải các video của bé lên mạng xã hội nhằm lưu giữ kỷ niệm. Bà mẹ bất ngờ khi những video này được mọi người yêu thích, nhận được hàng nghìn bình luận hỏi xin kinh nghiệm để dạy con.
Hiện nay, Minhee là nhân vật chính của kênh TikTok với gần 500.000 lượt theo dõi. Trong các video trên kênh, cô bé giao tiếp, đàn hát bằng tiếng Anh tự nhiên như tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt cũng rất lưu loát.
Nhưng cũng từ đây, chị Quỳnh Anh đọc được được nhiều ý kiến tiêu cực như "Bé tí thế đã nhồi nhét con", "Bắt con học ít thôi, cho bé đi ngủ sớm đi" hay "Người Việt Nam phải giữ gìn bản sắc văn hóa".
Chị giải thích do phần lớn video trên kênh bé đều nói tiếng Anh với mẹ, số video xuất hiện cùng bố rất ít khiến mọi người dễ hiểu lầm rằng bé bị ép học ngoại ngữ mà không nói được tiếng Việt.
Hiện nay, Minhee vẫn tham gia lớp học tiếng Anh vào cuối tuần. Chị Quỳnh Anh thường gọi đó là những buổi đi "chơi tiếng Anh" bởi Minhee đến lớp, được tham gia các trò chơi cùng các bạn và thầy giáo nước ngoài.
"Tôi không mong muốn con có thêm kiến thức gì, chỉ muốn bé được tiếp xúc với các nguồn tiếng Anh thực tế khác ngoài mẹ", chị chia sẻ.
Những ngày trong tuần, cô bé 3 tuổi đi học lớp mầm non và tham gia các hoạt động của lớp như học múa, học nhảy, làm thí nghiệm. "Minhee không chỉ giỏi tiếng Anh mà phát âm tiếng Việt cũng rất chuẩn, được các bạn ở lớp yêu mến", cô giáo ở trường nhận xét.
Diệu Uy