Bé Phạm Quốc Bảo (3 tuổi, An Lão, Hải Phòng) vừa tổ chức lễ sinh nhật trọn vẹn nhất từ trước tới nay, sau khi trải qua đợt ghép tế bào gốc từ máu cuống rốn thành công tại bệnh viện Vinmec Times City.
Quốc Bảo phát hiện mắc bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia lúc mới 3 tháng tuổi. Hàng tháng gia đình đều phải đưa Bảo lên Hà Nội truyền máu và thải sắt với hy vọng kéo dài sự sống mong manh. Phương pháp truyền máu định kỳ có nguy cơ nhiễm virus CMV, viêm gan B và C. Thậm chí, bé có thể suy tim và gặp nhiều biến chứng nguy hiểm khác nếu không truyền máu kịp thời. Ngoài ra, chất lượng sống và tuổi thọ bệnh nhi cũng ảnh hưởng nghiêm trọng.
Anh Phạm Quốc Việt , bố của Bảo cho biết, hai vợ chồng vẫn hy vọng và không ngừng tìm kiếm phương pháp mới có thể chữa khỏi bệnh cho con. "Có những lúc, chúng tôi nghĩ rằng cứ duy trì cho bé được đến đâu hay đến đó, dù biết là ngắn ngủi. Nhưng giờ thì cuộc sống của con như mở rộng trước mắt, khi cháu đã có thể phát triển bình thường như bao em bé khác", anh Việt nói.
Cơ may đến vào đầu năm 2016, khi vợ anh tình cờ đến khám thai tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec. Các bác sĩ đã tư vấn phương pháp điều trị còn rất mới ở Việt Nam, là sử dụng tế bào gốc máu cuống rốn của em ruột Bảo để ghép, nếu hai anh em đạt chỉ số hòa hợp tốt. Ngay lập tức, kế hoạch tiến hành cho ca ghép được hội đồng khoa học và nhiều chuyên khoa sản, nhi, tế bào gốc, công nghệ gen lên phương án tỉ mỉ.
Thạc sĩ Nguyễn Trọng Phúc - Trung tâm Tế bào gốc Vinmec là người trực tiếp thu thập và chuẩn bị mẫu phẩm tế bào gốc ghép cho bệnh nhân. Ông cho biết: "Do được chuẩn bị kỹ lưỡng, kiểm tra mức độ phù hợp về gen của bệnh nhân với người cho là em ruột, nên các bác sĩ tách chiết được lượng tế bào gốc dồi dào, giúp quá trình mọc mảnh ghép của bệnh nhân thuận lợi".
Sau 3 tuần, tủy ghép đã bắt đầu mọc và sinh máu. Sau 6 tuần, Tiến sĩ Dương Bá Trực, chuyên gia giàu kinh nghiệm về huyết học và truyền máu cho biết, các xét nghiệm tế bào máu của bé Bảo cho kết quả như người bình thường. Bé không có dấu hiệu thải ghép, biến chứng sau ghép, tan máu. Tủy hồi phục tốt. Đây là những dấu hiệu cho thấy ca phẫu thuật đã thành công.
Hiện bé chơi ngoan, ăn uống tốt, da hồng hào và tóc đang mọc trở lại sau thời gian điều trị. Đây là những ngày thảnh thơi đầu tiên của bố mẹ bé Bảo sau 3 năm mang con đi chữa bệnh.
Để tránh nguy cơ nhiễm trùng sau ghép, bệnh nhi được chăm sóc trong điều kiện vô trùng tại khu vực cách ly của bệnh viện. Các chế phẩm máu đều được chiếu tia xạ và lọc bạch cầu. Thậm chí thức ăn của bé cũng phải chiếu tia cực tím để diệt mọi vi khuẩn. Trong thời gian sau ghép, bệnh nhi được điều trị dự phòng nấm, vi khuẩn và virus, kết hợp duy trì thuốc ức chế miễn dịch.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm - Viện trưởng Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec cho biết: "Việt Nam có khoảng 10 triệu người mắc Thalassemia và mang gen bệnh. Bên cạnh những nỗ lực của các cơ quan quản lý, nhà chuyên môn trong tư vấn, sàng lọc, phát hiện và quản lý người bệnh, thì phương pháp ghép tế bào gốc sẽ mở ra triển vọng điều trị triệt để căn bệnh này".
Hiện nay ở Việt Nam, một số ngân hàng máu cuống rốn đã bắt đầu phát triển. Tại Vinmec, có hơn 1.300 mẫu máu cuống rốn được lưu trữ và bảo quản theo chuẩn quốc tế. Khu ghép tế bào gốc cũng được trang bị hệ thống phòng vô trùng hiện đại, tạo điều kiện tối ưu giúp ca ghép thành công. Đây cũng là bệnh viện tư nhân đầu tiên, một trong số ít cơ sở y tế ở Việt Nam ghép tế bào gốc máu cuống rốn và điều trị thành công Thalassemia.
Bé Phạm Quốc Bảo là một trong 90 ca bệnh được Vinmec điều trị thành công, từ chương trình phẫu thuật từ thiện 300 tỷ đồng của Quỹ Thiện Tâm (thuộc Tập đoàn Vingroup) dành cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, gia đình có công với cách mạng. Chương trình triển khai từ ngày 17/10/2016, đến nay đã có 215 trường hợp trong số 420 hồ sơ gửi đến, được hỗ trợ 70% chi phí hoặc miễn phí điều trị, phẫu thuật.
An San