Ngày 1/4, bác sĩ Nguyễn Đức Lân, Trưởng khoa Ngoại nhi, Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ, cho biết bệnh nhi nhập viện trong tình trạng hoảng loạn, vùng đầu, mặt, bẹn, lưng, chân có nhiều vết thương, tiểu có máu.
Trẻ được sơ cứu, vệ sinh vết thương, tiêm phòng uốn ván, tiêm phòng dại. Siêu âm, chụp X-quang đánh giá mức độ tổn thương, các bác sĩ xác định bé bị vỡ thận phải. Chụp cắt lớp vi tính cho thấy thận phải của bé vỡ làm hai mảnh.
Bệnh nhi được đặt sonde tiểu theo dõi màu sắc số lượng nước tiểu, sử dụng ba loại kháng sinh phối hợp, theo dõi huyết động và bão hòa oxy trong máu. Ngày thứ hai vào viện, trẻ được truyền 150 ml khối hồng cầu.
Sau 4 ngày, hiện tại trẻ tỉnh, không sốt, các vết thương phần mềm còn ít dịch thấm băng chảy, bụng không chướng, ấn đau vùng mạn sườn phải, nước tiểu trong.
Bác sĩ Lân đánh giá đây là một trường hợp phức tạp, các vết thương phần mềm ngoài da không quá nặng nhưng chấn thương bụng kín vỡ thận nghiêm trọng. Bé cần được theo dõi sát sao và xử trí cấp cứu ngoại khoa nếu điều trị bảo tồn không hiệu quả.
Trước đó một tuần, ngày 23/3, Khoa Ngoại nhi tổng hợp tiếp nhận bệnh nhi 4 tuổi bị chó nhà cắn vào vùng đầu và tay phải, xây xát nhiều vị trí trên người, trong đó có hai vết thương rách da đầu, chảy nhiều máu.
Các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh, người chăm sóc trẻ không nên cho trẻ đùa nghịch, chơi với chó, mèo, đặc biệt là chó lạ, hoặc chó, mèo kích thước lớn. Khi trẻ bị chó, mèo hoặc động vật hoang dại cắn gây tổn thương, cần nhanh chóng đưa trẻ tới các cơ sở y tế để điều trị, tiêm phòng bệnh.
Người nuôi chó mèo cũng cần tiêm phòng cho vật nuôi đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Không được thả rông chó, vật nuôi ra đường. Chó, vật nuôi dắt ra đường phải được đeo rọ mõm, tránh để tấn công người khác.
Thúy Quỳnh