Ngày 18/9, Sở Y tế Phú Thọ thông tin kết quả chẩn đoán cho thấy bệnh nhi bị vỡ mạch máu não do dị dạng mạch máu não bẩm sinh. Bé được cấp cứu tích cực, vượt qua được giai đoạn cấp. Tuy nhiên, sau phẫu thuật, bé bị di chứng liệt nửa người trái, yếu bên người phải, không tự đi lại được, mọi sinh hoạt cá nhân đều nhờ trợ giúp của người thân.
Bệnh nhi được người nhà đưa vào Bệnh viện Y Dược cổ truyền và Phục hồi chức năng điều trị. Các bác sĩ kết hợp vật lý trị liệu và phục hồi chức năng bằng phương pháp bó nến Parafin, điện châm, điện xung, giác hơi, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt, châm cứu. Sau liệu trình điều trị tích cực, bệnh nhi tự đi lại được, còn yếu nửa người trái, tay phải đã cầm nắm chắc đồ vật, cầm bút viết chữ được.
Đột quỵ là tình trạng xảy ra khi dòng máu cung cấp cho não bỗng nhiên gián đoạn do mạch máu não bị tắc (đột quỵ nhồi máu não) hoặc vỡ (đột quỵ xuất huyết não). Khi một phần não không nhận được oxy và các chất dinh dưỡng từ máu, những tế bào não sẽ dần hoại tử gây mất chức năng não bộ.
Nhiều nguyên nhân gây đột quỵ ở trẻ em, chủ yếu là dị tật mạch máu bẩm sinh hoặc mắc các bệnh hiếm gặp như bệnh tim bẩm sinh, rối loạn đông máu, rối loạn động mạch. Các chuyên gia nhận định đột quỵ rất hiếm gặp ở trẻ. Nếu xảy ra, hậu quả thường rất nặng nề, để lại di chứng cả về thể chất và tinh thần cho người bệnh.
Người lớn đột quỵ thường có các dấu hiệu ban đầu điển hình dễ nhận biết như miệng méo, nói ngọng, yếu liệt chân tay. Còn ở trẻ em, dấu hiệu ban đầu khá mờ nhạt, dễ nhầm lẫn với những bệnh lý thông thường như co giật, mất ý thức ngắn, hành động vụng về.
Một số dấu hiệu khác như trẻ đột ngột than đau đầu dữ dội hay quấy khóc liên tục kèm theo nôn ói, co giật mất ý thức, miệng méo lệch sang bên khi ăn uống. Trẻ cầm nắm không được như bình thường, đi lê một bên chân hay có những tiếng kêu lạ trong đầu, dễ bị tím tái khi gắng sức.
Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh khi phát hiện dấu hiệu bất thường của con nên đưa ngay đến bệnh viện để được cấp cứu và xử trí kịp thời trong thời gian vàng.
Thúy Quỳnh