Trên một bài viết vừa đăng tải trên mục Kinh doanh hôm 31/1, BBC nhận xét doanh nhân Trần Quí Thanh là một nhân vật nhiều sắc thái.
Mỗi năm công ty đồ uống Tân Hiệp Phát do ông sở hữu đều tổ chức một chương trình gala truyền hình phát sóng trên toàn quốc hình ảnh một doanh nhân 64 tuổi hát trên sân khấu cùng các ngôi sao nhạc pop, ban nhạc Rock và những người nổi tiếng khác.
Trong khi đó, 4.000 công nhân, nhân viên được khuyến khích tham dự các cuộc thi tổ chức hàng năm nhờ đó họ sáng tác bài hát, viết thơ về ông. Năm 2015, vị doanh nhân này ghi nhận doanh thu ở mức 500 triệu USD, nổi tiếng ở Việt Nam với tên gọi "Vua trà", BBC viết.
Ông thành lập Tập đoàn nước giải khát Tân Hiệp Phát (THP) năm 1994, cùng thời điểm Mỹ chấm dứt lệnh cấm vận kinh tế, thương mại với Việt Nam. Hiện nay, đây là một trong những tập đoàn sản xuất đồ uống tư nhân lớn nhất tại quốc gia này.
THP bán hơn một tỷ lít đồ uống mỗi năm bao gồm trà xanh, trà thảo mộc, nước tăng lực, nước khoáng và sữa đậu nành tại thị trường nội địa và xuất khẩu đi 16 quốc gia. Ông mong muốn sẽ tăng gấp ba lần sản lượng trong vòng 5 năm tới, nhắm vào các thị trường Mỹ và một số nước khác.
Vị doanh nhân này từng có 6 năm sống trong trại trẻ mồ côi khi mẹ mất vì tai nạn ôtô năm 1962. Lúc đó, ông 9 tuổi. Giống như nhiều người dân thời điểm đó, khi trưởng thành, ông sống trong lòng một Việt Nam mang nhiều di chứng, thương tích chiến tranh.
Lớn lên cùng những năm tháng khó khăn của đất nước, ông Thanh được tôi luyện trong gian khó đủ để tuyên bố "không bao giờ sợ hãi" trước bất cứ những thách thức nào đến từ thế giới kinh doanh.
"Phải luôn luôn tấn công, luôn luôn chiến đấu. Bởi vì chúng tôi đã luôn phải đấu tranh suốt nhiều năm trời ròng rã, muốn chiến thắng thì phải chiến đấu", ông nói.
Trần Quí Thanh bắt đầu khởi nghiệp mô hình kinh doanh đầu tiên năm 1976 sau khi tốt nghiệp đại học ở tuổi 23. Thời điểm đó, đất nước mới thống nhất hai miền Nam-Bắc được một năm và nền kinh tế vẫn đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề.
Để mưu sinh, chàng thành niên bắt đầu sản xuất men để làm bánh mỳ trong phòng khách, sử dụng võng nylon quân đội Mỹ vứt lại làm tấm lọc. Thời điểm đó, tình trạng lạm phát khiến việc sản xuất nấm men không còn khả thi, ông bắt đầu chuyển hướng sản xuất sang đường.
"Lúc bấy giờ doanh nghiệp tư nhân chưa được khuyến khích. Chúng tôi không có đủ trang thiết bị, kiến thức kỹ thuật hạn chế và gần như không có vốn. Mọi việc đều rất khó khăn. Tuy vậy, hàng hóa thời điểm đó rất khan hiếm nên bất cứ thứ gì sản xuất ra cũng đều được tiêu thụ nhanh chóng. Đó là một điểm tốt", ông cho biết.
Cho đến năm 1986, phong trào Đổi Mới bắt đầu, chính phủ khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển. Năm 1994, khi bắt đầu với THP, ông Thanh nhận thấy cần phải làm nghiên cứu về thị trường đồ uống. Ông phát hiện ra rằng hội chợ thương mại đồ uống thường niên Drinktec ở Đức là một nơi hoàn hảo để bắt đầu nên đã làm hộ chiếu đến đây tham khảo.
Không biết đường để đến châu Âu một mình, ông đã gia nhập một đoàn khách du lịch. Khi đến nơi, ông đã ngay lập tức "tách đoàn" để tham gia hội chợ với mục đích "tìm hiểu về những công nghệ tiên tiến nhất".
THP sau đó bắt đầu sản xuất bia nhưng nhanh chóng chuyến hướng sang những chai nước trà xanh và đồ uống tăng lực.
"Trong những ngày đầu thành lập, chúng tôi chỉ có 20 nhân viên và sản xuất khoảng một triệu lít đồ uống một năm, 3.000 chai một ngày. Hiện tại, tập đoàn có hơn 4.000 nhân viên, cung ứng cho thị trường hơn một tỷ lít mỗi năm", ông nói.
Đến năm 2023, vị doanh nhân này mong muốn tập đoàn của ông sẽ làm ra hơn ba tỷ lít đồ uống mỗi năm. Thị trường trong nước với 90 triệu dân tiếp tục là trọng tâm, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam tăng trưởng hơn 6,8% trong năm 2017 và dự kiến 2018 cũng sẽ ở mức tương tự.
Công ty đồng thời có kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu, hiện chiếm khoảng 10% doanh số. Thành công của THP cũng mang lại cho chính công ty nhiều thách thức. Cách đây một vài năm, truyền thông trong nước chỉ trích mạnh mẽ cách doanh nghiệp này xử lý khiếu nại tìm thấy dị vật trong sản phẩm của hãng mặc dù công ty đã thắng vụ xét xử ngoài tòa án.
Tuy vậy, điều này cũng mang lại ít nhiều sự chú ý cho THP từ một trong những thương hiệu đồ uống lớn nhất thế giới. Năm 2011, Coca- Cola tiếp cận THP nhưng ông chủ trà xanh đã khước từ lời đề nghị bởi gã khổng lồ đồ uống Mỹ không muốn công ty của ông mở rộng ra ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam.
"Coca- Cola định giá công ty ở con số 2,5 tỷ USD nhưng họ muốn các sản phẩm của chúng tôi sẽ chỉ tồn tại ở thị trường Việt Nam. Điều này hoàn toàn khác với tầm nhìn của chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi đã bỏ đi", ông nói.
THP vẫn duy trì việc kinh doanh, quản lý với các thành viên trong gia đình. Hai con gái của ông đều giữ những vị trí quan trọng. Trong khi con gái cả Trần Uyên Phương phụ trách quan hệ công chúng và marketing thì con gái thứ Trần Ngọc Bích đảm nhiệm khối nhân sự.
Trần Ngọc Bích cho biết:"Cha tôi có một tâm niệm và giờ đây cũng là tâm niệm của toàn bộ công ty - Hôm nay tốt hơn hôm qua nhưng không bằng ngày mai. Ông luôn luôn nhìn về phía trước cho những kế hoạch tương lai".
Bước chuyển biến lớn tiếp theo dành cho THP có thể là một dự định về người kế nhiệm. Nhưng trong ngắn hạn, tăng trưởng doanh số sẽ luôn là vấn đề trọng tâm.
Nói với BBC, một doanh nhân đầu tư vào thị trường Việt Nam, ông Fiachra Mac Cana cho biết nếu THP (hoặc các công ty khác) muốn đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa ra thị trường quốc tế thì cần trở thành những thương hiệu dễ nhận biết trên trường quốc tế.
"Đây là một thách thức không hề nhỏ, và sẽ mất nhiều năm", ông cho biết.
Ông chủ hãng đồ uống Việt tự tin rằng ông có thể làm được điều đó. "Nhắc đến Toyota, mọi người ngay lập tức nghĩ đến Nhật Bản. Tôi mong muốn rằng khi cái tên THP được nhắc đến trong tương lai, công chúng cũng sẽ tự động nghĩ đến Việt Nam".
Phương Nguyên lược dịch