![]() |
Một dãy cửa hàng điện tử ở Hà Nội. Ảnh: AP. |
Tuy nhiên mỗi năm, nước này cần phải tạo ra một triệu việc làm mới cho tầng lớp dân cư trẻ của mình. Một số nhà phân tích lo lắng nền kinh tế khó có khả năng làm được điều này.
Đối với cộng đồng tài trợ quốc tế, Việt Nam là là một trong số ít những trường hợp thành công. Trong 20 năm qua, nước này đã giúp rất nhiều người khỏi đói nghèo. Năm 1998, tổng số 38% dân chúng vẫn sống dưới mức nghèo khổ theo đánh giá của quốc tế. Nhưng đến năm 2002, tỷ lệ này đã là 29%, và trong vài năm qua nó đang tiếp tục giảm.
Ở làng Độc Lập, cách Hà Nội hai giờ đi xe, kinh tế phát triển đồng nghĩa với điện, một con đường, một trường học và một trạm xá tốt hơn. Độc Lập từng là một trong những nơi nghèo nhất ở Việt Nam. Bây giờ, nơi đây là một trong những câu chuyện thành công. Có con đường nghĩa là nông dân có thể bán nông sản dễ dàng hơn, trường học nghĩa là trẻ em sẽ có những việc làm tốt hơn, và trạm xá nghĩa là phải nghỉ làm ít ngày hơn.
Quan chức phụ trách Phát triển Hải ngoại Anh, Hilary Benn, cho biết ông rất ấn tượng trước những gì ông nhìn thấy ở Độc Lập: “Điều đặc biệt đối với sự phát triển của Việt Nam là chính phủ đã quyết định đường hướng mà họ muốn đất nước đi theo, mở cửa nền kinh tế và tập trung làm những việc mà họ biết sẽ tạo nên sự khác biệt”.
Một nửa dân số của Việt Nam vẫn sống ở các làng quê, nhưng ngày càng nhiều người chuyển ra thành phố và thị xã để tìm những công việc thu nhập khá hơn. Hàng chục nghìn người trở thành những công nhân xây dựng lưu động, chuyển từ công việc này sang công việc khác, và sống trong những chiếc lán tre ngay cạnh công trường.
Phạm Thị Dung nấu nướng cho nhiều công nhân đang xây nhà máy cho một công ty nhựa của Đài Loan ở Bắc Ninh. Cô nói rằng cô muốn sống trong hoàn cảnh tạm bợ thế này hơn là trở về quê.
“Tôi đã làm ở đây được năm hay sáu năm, vì công việc của tôi khá ổn định. Tôi chuyển cùng với cả đội khi nào họ đến công trường mới”, cô giải thích. “Thu nhập của tôi ở làng quê chỉ hơn 1 đôla/ngày, nhưng nay thì gấp đôi. Chừng đó không nhiều cho lắm, nhưng nó ổn định và tôi có thể đỡ đần gia đình”.
Dòng lao động rẻ từ nông thôn đồng nghĩa với chi phí thấp không chỉ đối với các công ty xây dựng mà các các hãng đa quốc gia đang đổ đến Việt Nam.
Trông sang công trường xây dựng, bên kia đường là xí nghiệp Canon – hãng sản xuất một nửa số máy in của mình ở Việt Nam.
Tại cổng hãng, những chiếc xe container lớn chở các bộ phận máy móc từ nước ngoài, nhưng cũng có những xe tải nhỏ, và chúng quan trọng hơn đối Việt Nam vì chính những chiếc xe này vận chuyển các phụ kiện trong nước.
Dần dần, Việt Nam đang ngày càng trở thành một nơi lắp ráp sản phẩm rẻ, những công việc đòi hỏi tay nghề cao cũng có mặt ở đây. Điều này có nghĩa là thêm đầu tư và thu nhập cho nhân công.
Tuy nhiên, Sachio Kageyama, tổng giám đốc Canon ở Việt Nam cho biết tiến trình này hãy còn dài: “Hiện giờ chúng tôi nhập khẩu đa số phụ kiện từ đông nam Trung Quốc, vì nền công nghiệp của Việt Nam hãy còn yếu. Tuy nhiên, chúng tôi đang cố gắng nâng tỷ lệ nội địa hóa và tự sản xuất một số bộ phận quan trọng trong xí nghiệp của mình”.
Trở thành thành viên WTO sẽ khuyến khích thêm nhiều công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, tạo thêm các công ăn việc làm mới và tăng thu nhập của người dân lên trên mức bình quân đầu người 620 USD/năm hiện nay.
So với một số nước châu Á khác, Việt Nam đã phân bổ sự phát triển kinh tế một cách đồng đều hơn trong dân chúng. Nhưng cùng với tốc độ phát triển gia tăng, mức chênh lệch thu nhập giữa người nghèo giàu và người nghèo, nhất là giữa nông thôn với thành thị, ngày càng lớn.
Một trong những nhà kinh tế hàng đầu của Việt Nam - Lê Đăng Doanh - cảnh báo rằng các chính sách cần thay đổi để tránh những vấn đề trong tương lai: “Có một số người ở Việt Nam giàu đến không thể tin, không thể lý giải. Trong khi đó, có nhiều người ở nông thôn không được hưởng sự tiến bộ của nền kinh tế. Và đó là điều nguy hiểm, nó có thể dẫn tới căng thẳng trong xã hội”.
Việc dân chúng phản đối sự bất bình đẳng, tham nhũng và lạm dụng chức vụ ở Việt Nam hãy còn lẻ tẻ, nhưng cũng đáng lo ngại. Vấn đề chính mà Việt Nam phải đối mặt là một khi gia nhập WTO, tốc độ phát triển kinh tế Việt Nam sẽ tăng, đồng thời mức độ bất bình đẳng thành thị - nông thôn cũng tăng theo, ít nhất trong thời gian trước mắt. Vì thế, trở thành thành viên WTO sẽ mang đến cho Việt Nam cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức chưa từng có.
M.C. (dịch)